Hơn 10 năm theo nghề trồng dưa hấu, không chỉ vào mùa Tết, mà cây dưa hấu gần như là nguồn thu chính của gia đình ông Lê Thanh Tùng (Ấp 3, xã Tân Thành, TP Cà Mau) sau con cá chình. Tuy nhiên, ngần ấy năm kinh nghiệm, vẫn không giúp ông bảo vệ cây tránh bị sâu bệnh trong vụ dưa này. “Vừa thu hoạch xong 2 liếp dưa hấu, tính ra chỉ đủ tiền phân và giống, còn công sức hơn 2 tháng trời xem như bỏ không. Cũng may là đất nhà, không phải tốn tiền thuê mướn”, ông Tùng chia sẻ.
Trong vụ dưa hấu Tết này, gia đình ông Tùng xuống giống hơn 1.000 dây dưa. Các liếp dưa được chia thành nhiều khu vực, có thời gian xuống giống khác nhau để tránh thu hoạch đồng loạt, giá thành giảm. Tuy nhiên, thời tiết không thuận lợi đã gây ra tình trạng bệnh trên dưa khiến năng suất giảm đáng kể.
Chỉ tay hướng những dây dưa hấu hơn 1 tháng tuổi lá xoắn vàng vừa được nhổ bỏ ở góc liếp, ông Tùng cho biết: “Dưa năm nay toàn là bệnh này mà không biết bệnh gì luôn, chỉ còn cách nhổ bỏ, bởi nếu trị hết thì cũng không đậu trái”.
Ông Lê Thanh Tùng chăm sóc rẫy dưa Tết. Ảnh: NGUYỄN PHÚ
Theo thống kê sơ bộ, đến nay đã có hơn 87 ha dưa hấu của người dân bị sâu bệnh và các sinh vật khác gây hại. Trong đó, chủ yếu là sương mai gây hại hơn 17 ha, bệnh thán thư hơn 28 ha và bệnh héo dây, sâu khoang, sâu xanh gây hại hơn 42 ha. Ðiều kiện thời tiết ảnh hưởng, sâu bệnh phát triển nhiều đã khiến nông dân trồng dưa năm nay phải tốn thêm chi phí phân, thuốc trong khi giá cả các mặt hàng này đang ở mức cao.
Có thể thấy, hiện nay tình hình thời tiết thay đổi bất thường, người trồng khó lường trước mọi tình huống bất ngờ xảy ra, vì vậy, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, phần đất trồng dưa nên cao ráo, không nhiễm phèn, mặn. Bố trí trồng liếp đôi, tạo rãnh thoát nước dốc vừa phải. Một lưu ý nhỏ trong canh tác nông nghiệp hiện nay là, cần đầu tư màng phủ nông nghiệp để giảm công chăm sóc và tăng hiệu quả, năng suất cho cây trồng. Nói về công dụng của màng phủ nông nghiệp, Kỹ sư Trần Chí Nguyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết, màng phủ mang tính ưu việt, đó là hạn chế sâu bệnh gây hại, bốc hơi nước khi tưới và trôi phân khi mưa xuống. Ngoài ra, còn hạn chế cỏ dại. Thường màng phủ có 2 mặt đen và xám, bà con nên cho mặt đen phủ lên mặt đất để tăng khả năng quang hợp cho cây.
Kỹ sư Trần Chí Nguyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc dưa vụ Tết. (Ảnh chụp tại xã Lý Văn Lâm). Ảnh: NGÔ NHI
Ở giai đoạn bón lót nên dùng phân hữu cơ kết hợp với nấm đối kháng Trichoderma để dưỡng cây con phòng tránh sâu bệnh sau 10 ngày tuổi. Tuy nhiên, bà con khi sử dụng nấm đối kháng nên đọc kỹ hướng dẫn liều lượng mà nhà sản xuất đưa ra, tránh trường hợp bón nhiều dẫn đến kháng thuốc.
Ðối với dưa vụ Tết, đặc biệt là dưa trưng, mật độ trồng nên thưa, không dày, bình quân từ 600-700 dây/1.000 m2. Riêng loại dưa phục vụ tiêu dùng thường xuyên thì mật độ trồng 700-800 dây/1.000 m2. Việc phân bố dây dưa hợp lý trên diện tích đất nhằm đảm bảo trái dưa có đủ dinh dưỡng để phát triển, ngoài ra còn hấp thụ đủ ánh sáng, trái mới tròn đều.
Không lạm dụng phân bón vào cuối vụ. Trước khi thu hoạch 10 ngày tuyệt đối không được bón phân, xài kích thích sinh trưởng để tăng lợi nhuận, vì như thế sẽ làm cho bên trong ruột dưa bị rỗng, thịt dưa không được ngon. Sát ngày thu hoạch từ 5-7 ngày, người trồng dưa phải cắt lượng nước tưới hoàn toàn để tránh dưa tích nước, khi người tiêu dùng mua về trưng Tết bị sụp, rỉ nước.
Ngoài hướng dẫn nhà nông về các kỹ thuật canh tác vụ mùa, ngành chuyên môn còn đưa ra những khuyến cáo hữu ích trong việc phòng, trừ một số sâu, bệnh thường gặp như: bệnh héo xanh, bệnh đốm lá (đốm phấn), bọ chỉ, sâu ăn tạp, ruồi đục trái…
Ở bệnh héo xanh, dấu hiệu nhận biết là buổi sáng lá dưa xanh tốt, buổi trưa đến thì lá héo dần, lặp lại 4 ngày thì dây dưa sẽ chết. Lúc này, phải mua thuốc về pha tưới ngay gốc những dây còn lại. Riêng dây dưa đã mắc bệnh không cứu được, bắt buộc phải tiêu huỷ triệt để bằng cách nhổ đi thật xa nơi trồng dưa, châm lửa đốt, tránh trường hợp vứt xuống đường nước, bởi khi tưới sẽ lây lan bệnh.
Theo đó, Kỹ sư Trần Chí Nguyện khuyến cáo bà con nên thay đổi thói quen canh tác, đặc biệt là sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học, thay vì dùng phân, thuốc hoá học để vừa đảm bảo chất lượng vừa bảo vệ sức khoẻ người trồng, người tiêu dùng. Ðây còn là hướng sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường, tăng tần suất sử dụng trên một diện tích đất.
Một số mẹo nhỏ trong việc phòng trừ, xua đuổi sâu bệnh là có thể sử dụng dầu tỏi, dầu khoán mua tại các cửa hàng để phun trong quá trình cây nhiễm bệnh. Ngoài ra, người nông dân có thể tự điều chế bằng cách mua tỏi tươi, hoặc các phế phẩm của nhà máy thuốc lá về ngâm với rượu theo tỷ lệ nhất định để sử dụng. Với cách này vừa tiết kiệm được chi phí vừa giữ độ màu mỡ cho đất canh tác lâu dài.
Ý thức từ việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là cây ăn trái, hiện nay, nhiều nhà vườn bổ sung lượng kali cho cây trồng, rau màu bằng phương pháp ủ chuối lên men. Có thể mua các loại chuối chín rục giá rẻ, về ủ với men để chảy ra mật đường, dùng tưới cho cây rất hiệu quả./.
Theo Báo Cà Mau