Điển hình như Trường Tiểu học Tân Hưng Ðông 2, xã Tân Hưng Ðông. Thầy giáo Nguyễn Văn Xệ, giáo viên trường, vốn học chuyên ngành đào tạo giáo viên tiểu học, nhưng do thực trạng ngành giáo dục lúc bấy giờ đang trong tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, nhất là đối với các môn năng khiếu và ngoại ngữ, Ban giám hiệu trường nhận thấy thầy Xệ không chỉ có phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn khá vững vàng, mà còn có năng khiếu về môn giáo dục thể chất, từ đó mạnh dạn phân công thầy trực tiếp giảng dạy môn này cho các em học sinh.
Ðược sự phân công của Ban giám hiệu, thầy Nguyễn Văn Xệ đã phát huy năng lực, sở trường, nhiều năm liền hoàn hành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Dẫu dạy chéo môn sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng thầy Xệ đã phát huy khá tốt năng lực, sở trường và nhiều năm liền hoàn hành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không dừng lại đó, khi mạng viễn thông phát triển, hệ thống máy tính nhà trường được kết nối Internet, thầy Xệ tích cực tìm tòi, tiếp cận về lĩnh vực này. Với niềm đam mê, chịu khó học hỏi đồng chí, đồng nghiệp các trường tiểu học trên địa bàn huyện, thầy Xệ đã nhanh chóng tiếp thu được kiến thức công nghệ thông tin và sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành giáo dục. Vậy là thầy Xệ được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng, phân công quản lý và khai thác các phần mềm của ngành giáo dục như phần mềm quản lý cán bộ, giáo viên, cơ sở dữ liệu của ngành và phần mềm quản lý chất lượng học sinh, góp phần cùng với nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học.
Thầy Nguyễn Ngọc Nhã, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hưng Ðông 2, đánh giá: “Ban giám hiệu nhận thấy thầy Nguyễn Văn Xệ có đam mê về công nghệ, hằng ngày ngoài giờ dạy thể dục, thầy thường xuyên lên máy tính tìm tòi, tự học công nghệ thông tin nên nhà trường luôn động viên, rồi phân công thầy phụ trách các phần mềm quản lý của ngành. Thầy Nguyễn Văn Xệ thể hiện được năng lực, sở trường của mình, thực hiện rất tốt việc quản lý, sử dụng các phần mềm ở nhà trường kịp thời, chính xác theo yêu cầu cấp trên”.
Tại Trung tâm Văn hoá, Truyền thông và Thể thao huyện, việc làm theo lời Bác về sử dụng cán bộ được triển khai, thực hiện hiệu quả. Ðơn cử như viên chức Trần Tấn Phú, tuy không được đào tạo chuyên ngành về lĩnh vực sân khấu nghệ thuật, nhưng anh có năng khiếu, niềm đam mê loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử (ÐCTT) Nam Bộ. Ðể tạo cơ hội cho viên chức Trần Tấn Phú phát huy sở trường, Ban giám đốc trung tâm phân công anh trực tiếp tham gia chương trình văn nghệ phục vụ các sự kiện chính trị ở địa phương, phong trào văn nghệ quần chúng và hoạt động ÐCTT. Với sự góp sức của anh, phong trào văn hoá, văn nghệ trên địa bàn huyện Cái Nước trở nên sôi nổi và được ngành chức năng tỉnh đánh giá cao.
Anh Trần Tấn Phú tham gia sinh hoạt với Câu lạc bộ ÐCTT ấp Kinh Tư, xã Hoà Mỹ.
Ðể gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật ÐCTT đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ, năm 2023, trung tâm đăng ký nhiệm vụ đột phá với nội dung “Củng cố, xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động Câu lạc bộ ÐCTT huyện Cái Nước và các xã, thị trấn”. Chung tay thực hiện nhiệm vụ, với niềm đam mê bộ môn nghệ thuật ÐCTT, anh Phú không ngại khó khăn, vất vả, cứ mỗi khi câu lạc bộ ÐCTT các khóm, ấp tổ chức sinh hoạt, anh đều tham gia và chia sẻ kinh nghiệm hát tài tử. Nhờ vậy, phong trào ÐCTT trên địa bàn huyện được khơi dậy mạnh mẽ, thu hút các tài tử đờn và tài tử ca tham gia sinh hoạt, qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.
Có thể nói, thông qua việc học Bác dùng người đúng chỗ, đúng việc, đúng chuyên môn và đúng năng lực, sở trường công tác, không chỉ tạo cơ hội cho cán bộ, viên chức phát huy tài năng, sự sáng tạo để nâng cao hiệu quả công tác, mà còn góp phần cùng với cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao./.
Theo VIỆT TIẾN (Báo Cà Mau)