Nâng tầm nông sản
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) tại xã Trí Lực đạt kết quả quan trọng. Ðịa phương đã hình thành 15 tổ sản xuất và 2 hợp tác xã (HTX) cộng đồng sản xuất và kinh doanh lúa - tôm, hoạt động có hiệu quả; hình thành liên kết giữa doanh nghiệp (DN) thu mua và HTX địa phương, gồm: HTX Trí Lực và Công ty Tấn Vương (thu mua lúa bán thị trường nội địa); HTX Ðoàn Phát và Công ty Cỏ May (thu mua lúa bán thị trường nội địa); liên kết giữa Công ty TNHH xã hội chuỗi tôm - rừng Minh Phú với người dân thông qua HTX Trí Lực và HTX Ðoàn Phát (thu mua tôm sú bán thị trường xuất khẩu). Ðặc biệt, tháng 10/2022, mô hình lúa - tôm sú ở xã Trí Lực đã được Hội đồng Quản lý nuôi trồng thuỷ sản - Aquaculture Steward-ship Council (ASC) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, chứng nhận ASC về tôm sạch. Ðây là cơ hội tốt để nông dân vùng nuôi tôm sú tại địa phương gia tăng cơ hội bán sản phẩm trên thị trường quốc tế, tăng thu nhập từ thực hành nuôi tôm sú theo mô hình sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu. Công ty Minh Phú đã cam kết bao tiêu 100% sản lượng tôm sú nuôi đạt chuẩn chứng nhận ASC.
Để hình thành một nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, điều quan trọng là cần quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển kinh tế - xã hội mang tính lâu dài bền vững, ổn định.
Xã có 2 vùng sản xuất lúa hữu cơ được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN), gồm: HTX Ðoàn Phát được cấp chứng nhận lúa hữu cơ trên diện tích 50 ha; HTX lúa - tôm Trí Lực được cấp chứng nhận lúa hữu cơ trên diện tích 50,6 ha. Năng suất bình quân đạt từ 4,6-4,9 tấn/ha. Gạo hữu cơ xã Trí Lực được DN bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 1.000-1.500 đồng/kg; có 300 ha lúa được cấp quyền sở hữu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình”. Sản phẩm gạo ST24 nhãn hiệu gạo Từ Tâm của HTX Ðoàn Phát, nhãn hiệu gạo Hoàng Yến của HTX Trí Lực được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Và đã có 600 ha lúa - tôm được cấp chứng nhận ASC về thực hành nuôi trồng sạch theo tiêu chuẩn quốc tế.
Còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nông dân xã Trí Lực đang phải đối diện với một số khó khăn. Theo đánh giá của địa phương, hiện tại đầu ra chính của 2 HTX: Trí Lực và Ðoàn Phát là bán cho Công ty Cỏ May và Công ty Tấn Vương, bà con nông dân chưa chủ động khai thác kênh bán hàng, dẫn đến bị động và phụ thuộc vào công ty thu mua. Bên cạnh tôm sú, tôm càng xanh là nhóm vật nuôi trong mô hình lúa - tôm sinh thái cho giá trị kinh tế tốt. Tuy nhiên, do chưa tìm được thị trường phù hợp nên con tôm càng xanh chỉ bán được cho thương lái trong vùng với giá dao động từ 70-80 ngàn đồng/kg. Quá trình thu mua tôm càng xanh giữa nông dân và thương lái không có bất kỳ cam kết, hợp đồng cụ thể nào.
Mặc dù trên địa bàn xã Trí Lực đã thành lập 2 HTX và các tổ sản xuất lúa - tôm, với mục tiêu để cộng đồng có thể chủ động tìm kiếm thị trường bền vững và có giá trị cao hơn cho 2 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, là lúa hữu cơ và tôm càng xanh, tuy nhiên, cả HTX Ðoàn Phát và HTX Trí Lực đều gặp khó khăn về năng lực kinh doanh và tìm kiếm thị trường.
Hiện tại, đầu ra chính của 2 HTX: Trí Lực và Ðoàn Phát chủ yếu là bán cho các công ty ngoài địa phương. Bà con nông dân chưa chủ động khai thác kênh bán hàng, dẫn đến tình trạng bị động và phụ thuộc vào công ty thu mua. (Ảnh chụp tại HTX Ðoàn Phát)
Bà Dương Chúc Linh, Bí thư Ðảng uỷ xã, nhận định: “Mặc dù các thành viên HTX đã rất nỗ lực phát triển các sản phẩm nông nghiệp chế biến hoặc sản phẩm gạo đóng gói để bán ra thị trường nội địa, nhưng do thiếu kiến thức về kinh doanh, chưa xây dựng được bộ máy nhân sự phù hợp, thiếu vốn để đầu tư khiến việc kinh doanh lúa, các sản phẩm làm từ lúa và tôm hữu cơ của xã chưa mở rộng được thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường tại các thành phố lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh”.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ quy mô nhỏ lẻ và đang gặp khó khăn để chuyển đổi sang quy mô hàng hoá. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp sạch, sản xuất hữu cơ trên tổng diện tích đất canh tác còn thấp. Ngoài một số ít DN đầu tư vào nông nghiệp sạch, hữu cơ, thì phần lớn nông dân thiếu thông tin về quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nên gặp nhiều vấn đề trong thực hành sản xuất. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ khó nhân rộng do vốn đầu tư hạ tầng sản xuất ban đầu khá lớn. Các sản phẩm hữu cơ chưa đa dạng và chất lượng không đồng đều, một số sản phẩm đã được xuất khẩu nhưng ở dạng thô nên giá trị còn thấp...
Quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch cơ bản bằng biện pháp thủ công, mất nhiều công lao động.
Cần quy hoạch cụ thể
Bà Dương Chúc Linh cho biết, từ thực tế của địa phương, để hình thành một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, điều quan trọng là cần quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển kinh tế - xã hội mang tính lâu dài bền vững, ổn định. Thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút, hỗ trợ các DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư vào nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác trên cơ sở liên kết, liên minh để nâng cao hiệu quả kinh tế; có chính sách hỗ trợ giống, vốn, vật tư cho nông dân và khuyến khích người dân tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Ðối với các HTX, để phát triển bền vững cần tái cấu trúc lại bộ máy quản lý, nhân sự và tập trung đào tạo nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh cho ban giám đốc và các bộ phận phòng, ban của HTX. Mô hình kinh doanh mới nên hướng tới tối đa hoá các cơ hội kinh doanh ở thị trường nội địa (ngắn hạn) và xuất khẩu (dài hạn) thay vì chỉ tập trung làm đầu mối thu gom nông sản cho các DN liên kết như hiện tại. Lựa chọn 1 HTX để thí điểm mô hình kinh doanh gắn với mô hình Làng nông nghiệp hữu cơ và du lịch cộng đồng. Cùng với đó, phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, địa phương cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ mạng lưới hạ tầng đồng bộ như: giao thông, kênh thuỷ lợi, hệ thống các cơ sở lưu trú mang tính cộng đồng dành cho khách du lịch... tạo điều kiện để thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ ngơi và tiêu thụ nông sản sạch, hữu cơ; hình thành các mô hình nuôi - trồng và du lịch sinh thái - cộng đồng - trải nghiệm. Cần gắn phát triển nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh...
Theo VĂN ĐUM (Báo Cà Mau)