Rắn ri tượng là vật nuôi ít rủi ro bởi có sức đề kháng tốt, ít mang mầm bệnh, đầu ra luôn ổn định.
Rắn con từ 10 ngày tuổi có thể xuất bán, giá 70 ngàn đồng/con.
Từ 10 cá thể rắn con ban đầu, chỉ sau vài năm, anh Ðăng nhân rộng thành mô hình chăn nuôi hộ gia đình. Theo đó, với hơn 6 m2 đất nhà ở, anh Ðăng xây 4 hồ nuôi rắn. Hiện tại, sau nhiều đợt tiêu thụ rắn thương phẩm, còn hơn 50 con rắn trưởng thành, đang trong giai đoạn sinh sản, mỗi con trọng lượng từ 2,5 kg, cùng đó là hơn 500 rắn giống.
Hiện tại, số lượng rắn trưởng thành, trong độ sinh sản khoảng 40 con, mỗi con đạt trọng tượng từ 2,5 kg.
Nuôi rắn tuy nhàn nhưng đòi hỏi kỹ thuật, nhất là trong khâu cho ăn và phải thay nước thường xuyên. Thức ăn cho rắn, anh Ðăng chọn mua cá phi sống từ các vuông tôm trong vùng, tránh nguồn cá thuốc sẽ ảnh hưởng đến vật nuôi, cứ 6-7 ngày sẽ cho ăn 1 lần.
Bình quân đến giai đoạn rắn xuất bán, mỗi cá thể tiêu tốn khoảng 6 kg cá mồi. Anh Ðăng chia sẻ: “Ban đầu nuôi rắn cũng gặp nhiều khó khăn, thiệt hại nhất là khi mua phải nguồn cá mồi thuốc, gây tổn thất cho vật nuôi khá nhiều, từ đó về sau tôi chú trọng khâu mua thức ăn. Trong hồ nuôi, để tạo môi trường trú ngụ, tôi để thêm gạch ngói cùng dây thép, nước tầm 4 ngày sẽ thay mới; để xử lý nước hồ, tôi vẫn duy trì bằng cây chuối ngâm, nhờ đó mà rắn phát triển khoẻ mạnh, ít hao hụt”.
Mỗi năm, anh Ðăng có 2 đợt xuất bán. Từ tháng 4-6 âm lịch (mùa rắn sinh sản), bán rắn giống, mỗi con 70 ngàn đồng (sau 10 ngày tuổi). Từ tháng 8-10 là mùa phối giống, bán rắn đực cho các hộ nuôi, mỗi ký 400 ngàn đồng. Ngoài ra, gia đình cũng bán rắn thịt, chủ yếu là những con đạt trọng lượng nhưng không đảm bảo chất lượng để sinh sản. Mỗi năm, từ mô hình nuôi rắn tạo thu nhập khoảng 40 triệu đồng.
Mô hình nuôi nhỏ tại chỗ giúp gia đình anh Ðăng có thêm nguồn thu ổn định, khoảng 40 triệu đồng/năm từ việc bán rắn giống và rắn thương phẩm.
Không đất sản xuất, kinh tế gia đình thuộc diện khó khăn, nhà có 5 khẩu thì có 2 người mắc bệnh bẩm sinh không lao động được, vì thế, gánh nặng kinh tế do anh Ðăng và người cha gánh vác. Ông Trần Văn Tý, 62 tuổi (cha anh Ðăng), bộc bạch: “Kinh tế gia đình eo hẹp, trước làm đủ thứ nghề để sống, tuy nhiên, khi bén duyên với mô hình nuôi rắn thì có nguồn thu ổn định hơn. Hiện tại, ngoài bán cho người nuôi trong vùng, còn xuất bán đi các huyện, tỉnh lân cận, đầu ra tương đối dễ dàng nên gia đình rất phấn khởi”.
Mô hình nuôi rắn không mất nhiều thời gian chăm sóc, do đó, những khi rảnh rỗi anh Ðăng còn phụ hồ, chạy grab để có thêm thu nhập.
Trên thị trường hiện nay, cả rắn thương phẩm lẫn rắn giống đang được người nuôi ưa chuộng. Ngoài bán trực tiếp, anh Ðăng còn thông qua các trang mạng xã hội giúp mở rộng đối tượng mua. Ðây cũng là địa chỉ để anh tương tác, tư vấn kỹ thuật nuôi, trao đổi thông tin khi khách hàng có nhu cầu. Từ những hiệu quả bước đầu, đến nay, anh Ðăng không chỉ duy trì mô hình mà còn ấp ủ mở rộng quy mô khi có điều kiện và nguồn vốn.
Anh Nguyễn Văn Lèo, Phó bí thư Xã đoàn Tân Lộc, cho biết: “Nhờ nuôi rắn ri tượng giúp đoàn viên Trần Minh Ðăng vượt qua khó khăn, kinh tế ổn định hơn. Hiện tại, Xã đoàn cũng tạo cơ hội để quảng bá sản phẩm, cùng đó là kết nối nhiều nơi để tìm hỗ trợ nguồn vốn cho anh Ðăng mở rộng quy mô chăn nuôi”./.
Theo NHI NGÔ (Báo Cà Mau)