Cà Mau: Ðơn vị sự nghiệp công lập khó khăn trong tự chủ tài chính

30/10/2024 - 15:44

Nhận định qua các năm và dự báo năm nay, ông Mã Tấn Cọp, Phó giám đốc Sở Tài chính, cho biết: "Việc thực hiện tự chủ tài chính còn chậm, mức độ tự chủ chưa cao, đặc biệt ở các địa phương; nguồn thu sự nghiệp còn thấp, chủ yếu vẫn là ngân sách Nhà nước (NSNN) cấp phát; chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá".

Thực hiện Nghị định số 60/2021/NÐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, ước đến cuối năm nay, Cà Mau có  591 đơn vị thực hiện, trong đó có 12 đơn vị nhóm 1, 26 đơn vị nhóm 2, 187 đơn vị nhóm 3 và 366 đơn vị nhóm 4.

Những khó khăn dẫn đến việc tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập được cho là do đến nay việc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công của các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Cà Mau chưa hoàn thành, các đơn vị chưa chủ động nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực quản lý. Hầu hết các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí vào giá, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.

Các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở chuyên ngành phản ánh, hiện nguồn thu bị ảnh hưởng do không được tham gia dự án của ngành thực hiện, do cạnh tranh trong đấu thầu… (Ảnh minh hoạ: Một góc đầm Thị Tường đang trong quá trình quy hoạch).

Bên cạnh đó là các định mức kinh tế kỹ thuật một số lĩnh vực còn chưa xác định được, khó khăn trong việc xác định đơn giá đặt hàng, đấu thầu, cũng như triển khai trong quản lý. Phương thức đấu thầu còn ít được áp dụng và chưa thực sự phát huy hiệu quả; việc giao nhiệm vụ, đặt hàng được thực hiện theo đơn giá dự toán, có trường hợp chưa sát thực tế. Từ đó, việc tổ chức thực hiện tự chủ tài chính chưa đảm bảo đúng lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo quy định tại điểm a, khoản 3, Ðiều 5, Nghị định số 60/2021/NÐ-CP.

Theo Nghị định số 60/2021 của Chính phủ, đến nay, tại Sở Tài nguyên và Môi trường có 3 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tự đảm bảo chi thường xuyên (thuộc nhóm 2), gồm: Văn phòng Ðăng ký đất đai tỉnh, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và Trung tâm Kỹ thuật - Công nghệ - Quan trắc tài nguyên và môi trường.

Các đơn vị này phản ánh, hiện nguồn thu ngày càng bị ảnh hưởng, bởi phần lớn các công trình, nhiệm vụ, dự án của Sở hiện nay phải thực hiện thông qua công tác đấu thầu rộng rãi, do đó chịu sự cạnh tranh gay gắt của rất nhiều đơn vị, kể cả tư nhân và đơn vị sự nghiệp công lập ở trong và ngoài tỉnh (do chưa đủ cơ sở để đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp thuộc Sở).

Cùng với đó, theo quy định của Luật Ðấu thầu, các công trình, dự án do Sở làm chủ đầu tư thì đơn vị trực thuộc không được tham gia theo quy định, mặc dù thuộc chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị và các đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện.

Tại buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách (HÐND tỉnh) vừa qua, ông Nguyễn Chí Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, cho rằng, thời gian qua, khi thanh quyết toán dự án hoàn thành hạng mục Bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng (Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP Cà Mau), Trung tâm không được chấp thuận quyết toán đối với phần chênh lệch thu lớn hơn chi của dự án, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu, tự chủ tài chính tại đơn vị.

Ông Nguyễn Chí Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, phát biểu tại buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách (HÐND tỉnh) vừa qua.

Ông Nguyễn Chí Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, phát biểu tại buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách (HÐND tỉnh) vừa qua.

Cụ thể, tại Trung tâm Kỹ thuật - Công nghệ - Quan trắc tài nguyên và môi trường, năm 2022, đơn vị này được giao số viên chức 64 người, đến cuối năm 2023, giảm xuống còn 53 người và dự kiến đến hết năm 2024 giảm còn không quá 50 người. Ông Lê Quốc Hiếu, Giám đốc Trung tâm, cho biết, nguyên nhân số viên chức giảm phần đông là do xin nghỉ theo nguyện vọng cá nhân (?).

Ðối với Ban Quản lý Dự án ODA và NGO, ông Nguyễn Văn Sol, Giám đốc Ban, cho biết, Ban là đơn vị sự nghiệp công lập, tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động (nhóm 2); nguồn thu chủ yếu từ chi quản lý dự án được trích từ các dự án được giao theo quy định, so với nhiệm vụ được giao thì không nhiều, một số Dự án ODA có thời gian kéo dài (trên 5 năm).

Các dự án nằm trên địa bàn huyện, phải thường đi kiểm tra và giám sát công trình; ngoài ra phải đi họp nhiều ở bộ, ngành, Trung ương tại Hà Nội; do quan hệ các đoàn quốc tế đến làm việc về các dự án đầu tư, phải đưa đi khảo sát tại vùng dự án.

Ðặc biệt, năm 2024, kinh phí hoạt động của Ban phải đối ứng 30% để xây dựng trụ sở làm việc (khoảng 4 tỷ đồng), từ đó làm ảnh hưởng rất lớn đến kinh phí hoạt động, kinh phí chỉ đảm bảo chi lương và chi hoạt động (từ năm 2021 đến nay, viên chức, người lao động của đơn vị chỉ hưởng lương cơ bản, không tăng thu nhập).

Ông Mã Tấn Cọp cho rằng, những bất cập, hạn chế trên xuất phát từ nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhiều đơn vị, địa phương, cơ quan quản lý còn chưa thực sự chủ động và quyết liệt trong xây dựng, ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, chưa thực sự quyết liệt trong thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động và tài chính. Công tác thông tin, báo cáo chưa đạt yêu cầu, dẫn đến việc tổng kết, đánh giá thực hiện chưa kịp thời, đầy đủ và toàn diện.

Sở Tài chính kiến nghị cần hoàn thiện cơ chế quản lý, sắp xếp và tổ chức lại hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-TW Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các cơ quan chuyên môn khẩn trương hoàn thiện công tác rà soát và tham mưu UBND tỉnh trình HÐND tỉnh ban hành danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN.

Các cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo quy định của pháp luật về giá và quy định của các luật khác có liên quan, để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NÐ-CP của Chính phủ.

“Những năm gần đây, viên chức, người lao động có kinh nghiệm, năng lực thôi việc chuyển sang các đơn vị khác hoặc các doanh nghiệp ngày càng nhiều. Mặc dù hiện nay việc chi trả lương có cải thiện, nhưng cơ chế trả lương theo ngạch, bậc nên thu nhập của viên chức, người lao động còn thấp hơn so với mặt bằng chung. Ðồng thời, nguồn thu của đơn vị chưa đảm bảo các khoản thưởng, phụ cấp thêm, nên không thể giữ chân đội ngũ viên chức có kinh nghiệm. Bên cạnh đó, khó thu hút được nguồn nhân lực trẻ, chất lượng, có chuyên ngành phù hợp để phục vụ công tác”, ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ thực trạng tại các đơn vị chuyên môn thuộc Sở thực hiện tự chủ.

Theo TRẦN NGUYÊN (Báo Cà Mau)