Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Thới Bình, việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện từng bước thay đổi đáng kể, nhiều cánh đồng liên kết sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ dần hình thành; tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp sạch, góp phần bảo vệ môi trường sống.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: "Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất lúa hữu cơ, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng mô hình sản xuất liên kết tiêu thụ lúa hữu cơ trên địa bàn huyện. Tính riêng trong năm 2023, có 230 ha lúa đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế gồm: Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất lúa tôm Trí Lực (xã Trí Lực) 50 ha; HTX Kênh Ngang (xã Tân Lộc Bắc) 130 ha; HTX Thành Công (xã Thới Bình) 50 ha. Các giống lúa canh tác hữu cơ chủ yếu là ST24, OM2517, năng suất bình quân đạt từ 4,8-5,2 tấn/ha và được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 1.000-1.500 đồng/kg".
Năm 2024, huyện Thới Bình dự kiến thực hiện khoảng 20.000 ha lúa hữu cơ. Ðến nay, đã xuống giống được hơn 10.000 ha.
Ðồng thời, huyện tổ chức Hội nghị Phát triển kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Thới Bình năm 2023; Hội nghị Triển khai một số chính sách mới và xúc tiến hợp tác, liên kết phát triển kinh tế tập thể huyện Thới Bình năm 2023, kết quả có trên 1.000 ha lúa - tôm được doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất.
Năm 2023, Công ty TNHH Tôm chứng nhận Minh Phú (Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú) phối hợp với HTX Dịch vụ sản xuất lúa tôm Trí Lực, HTX Ðoàn Phát tham gia xây dựng vùng nuôi tôm sú đạt chứng nhận nuôi thuỷ sản trách nhiệm (ASC) khoảng 1.000 ha.
Ông Nguyễn Văn Phúc thông tin, ngoài chứng nhận ASC, mới đây, hơn 600 ha nuôi tôm của hơn 230 hộ dân tại xã Biển Bạch Ðông cùng với đơn vị đồng hành xuyên suốt là Công ty TNHH Tôm chứng nhận Minh Phú đã được chứng nhận BAP (thực hành nuôi thuỷ sản tốt nhất của Tổ chức Liên minh thuỷ sản toàn cầu). Ðiều này mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường lớn hơn đối với con tôm tại địa phương.
Ðược chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế mở ra cơ hội mới cho nông sản nói chung, con tôm sú nói riêng trong tiếp cận những thị trường lớn.
Hiện nay, có nhiều tiêu chuẩn đã và đang được áp dụng trong nuôi thuỷ sản tại Việt Nam như: SQF, GlobalGAP, ASC, BAP, Naturland, AquaGAP, VietGAP... Tuy nhiên, các tiêu chuẩn rất quan trọng được áp dụng phổ biến cho con tôm xuất khẩu hiện nay là ASC, GlobalGAP và BAP.
“Hiện nay, Công ty TNHH Tôm chứng nhận Minh Phú đang tiếp tục phối hợp với nhiều HTX trên địa bàn huyện đánh giá khoảng 1.600 ha nuôi tôm theo chứng nhận ASC và chứng nhận BAP”, ông Phúc cho biết thêm.
Căn cứ định hướng quy hoạch chung của huyện và Bản đồ phân vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện (thuộc Ðề án Phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện Thới Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030), Bản đồ phân bố các giống lúa trên địa bàn huyện Thới Bình năm 2021 và định hướng đến năm 2025, để bố trí lại sản xuất nông nghiệp một cách cụ thể, xác định cơ cấu diện tích sản xuất các vùng sản xuất lúa sạch và lúa hữu cơ theo kế hoạch. Huyện sẽ xây dựng các vùng nuôi tôm sạch và tôm hữu cơ gắn với các sản phẩm chủ lực như tôm sú, tôm càng xanh...; phát triển vùng nuôi trồng thuỷ sản sạch, hữu cơ gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu...
Huyện Thới Bình xác định thời gian tới cần tập trung đồng bộ những giải pháp nhằm hướng đến nền nông nghiệp sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang tính bền vững. Trong đó, đối với phát triển vùng sản xuất lúa sạch và lúa hữu cơ, sẽ ưu tiên các vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp và chọn những giống lúa thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu sâu bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo VĂN ĐUM (Báo Cà Mau)