Cà Mau: Phát huy vai trò hữu nghị Nhân dân

21/03/2022 - 15:45

Với phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau (Liên hiệp hữu nghị tỉnh) không ngừng duy trì, củng cố quan hệ với các đối tác hiện có, mở rộng xây dựng quan hệ hợp tác với các đối tác mới. Qua đó đã nhiều hoạt động hữu nghị được thực hiện gắn với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN)… Từ vai trò cầu nối của mình, Liên hiệp hữu nghị đã góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập quốc tế của tỉnh Cà Mau.

A A

Các mặt trận ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hoá, công tác đối ngoại Nhân dân của Liên hiệp hữu nghị tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ. Theo đó, các hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị đối với các nước, các tổ chức quốc tế được tập trung triển khai với nhiều nét mới, thiết thực, thu hút sự tham gia của đông đảo bạn bè các nước trên thế giới.

Ông Nguyễn Đồng Khởi, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau, thông tin: “Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, Liên hiệp hữu nghị và các tổ chức hội thành viên đã triển khai hiệu quả và hoàn thành khá toàn diện nhiệm vụ đề ra. Thông qua các hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp, Liên hiệp hữu nghị đã triển khai đồng bộ, rộng khắp trên cả 3 mặt trận: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hoá. Đồng thời, thiết lập được nhiều mối quan hệ với bạn bè quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài, vận động ngày càng hiệu quả nguồn tài trợ để thực hiện công tác giảm nghèo và đầu tư phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục…”.

Hữu nghị không biên giới

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiền và anh Huỳnh Sơn Đảnh (ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) nhận được cặp dê giống do Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) hỗ trợ. Với gia đình chị, quà tặng này tiếp thêm động lực cả vật chất lẫn tinh thần để hành trình thoát nghèo bền vững được rút ngắn hơn.

Cả anh và chị đều có tật ở chân do di chứng của cơn sốt bại liệt, duyên nợ run rủi họ gặp, cảm thông và kết duyên vợ chồng. Gia sản của hai vợ chồng chỉ có vỏn vẹn 1 công đất trồng lúa và nền nhà để ở. Ngoài 2 vụ lúa đủ ăn, để có thêm tiền lo cho 2 đứa con, hàng ngày anh Đảnh đi đặt lú dưới sông. Dù vậy, cuộc sống cả nhà 4 người luôn thiếu trước hụt sau và mấy năm nay gia đình thuộc diện hộ nghèo của địa phương.

“Vừa qua, gia đình được nhận cặp dê giống do dự án “Tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cho cộng đồng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long” hỗ trợ. Sau gần 1 năm, 2 con dê mẹ đã đẻ được 2 dê con. Chúng tôi cố gắng học hỏi từng ngày để chăm sóc 4 con dê thật tốt, để tiếp tục nhân giống. Hành trình thoát hộ nghèo của gia đình cũng sẽ ngắn lại”, chị Hiền chia sẻ.

Nhận được cặp dê giống, chị Nguyễn Thị Hiền (bìa phải), ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải, phấn khởi và tích cực chăm sóc, nhân giống để phát triển kinh tế, có cơ hội thoát nghèo bền vững.

Các dự án PCPNN được triển khai thực hiện thời gian qua đã mang lại ý nghĩa thiết thực, góp phần xoá đói giảm nghèo và cải thiện cuộc sống của người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.

Năm 2021, thầy và trò trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm khu B, xã Hoà Tân, TP Cà Mau nô nức đón nhận khu phòng học mới được Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh viện trợ xây dựng.

Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm khu B là điểm trường lẻ và cách điểm chính hơn 7 km. Nơi đây hiện có 3 phòng học, 1 khu nhà vệ sinh, với tổng kinh phí xây dựng hơn 2,5 tỷ đồng. Khi khu B được đưa vào sử dụng, thầy, trò và cả các bậc phụ huynh không giấu được xúc động. Thầy Nguyễn Ngọc Vui, Hiệu trưởng trường, cho hay, mặc dù là điểm lẻ nhưng trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm khu B giải quyết nhu cầu học của gần 200 học sinh thuộc xã Hoà Tân, xã Định Bình, TP Cà Mau và cả học sinh xã Định Thành A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm khu B, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, xây dựng hơn 2,5 tỷ đồng, từ nguồn viện trợ của Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh.

“Nhờ sự đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất nên điểm trường này đã giúp các em học sinh không phải bỏ học vì nhà xa trường. Chúng tôi thật sự tự hào khi điểm trường này tiếp tục được duy trì để con đường đến trường của các em học sinh không còn khó khăn khi trường xuống cấp như trước đây”, thầy Nguyễn Ngọc Vui chia sẻ.

Củng cố và mở rộng các quan hệ đối tác

Hội LHPN tỉnh Cà Mau là 1 trong những đơn vị đã và đang tiếp nhận, triển khai 8 dự án với kinh phí trên 80 tỷ đồng do tổ chức PCPNN viện trợ, có hàng trăm ngàn lượt người được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp.

Thông qua Hội LHPN tỉnh, Tổ chức Cứu trợ trẻ em hỗ trợ cặp phao cho học sinh - đồng hành cùng em đến trường, tại xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời.

Theo bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, các nguồn viện trợ của tổ chức PCPNN không chỉ thể hiện tình đoàn kết hữu nghị quốc tế, vai trò của công tác đối ngoại Nhân dân, mà còn khẳng định nghĩa cử cao đẹp là không biên giới.

Thời gian qua, từ các dự án viện trợ PCPNN đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, cải thiện môi trường sinh thái, hạ tầng khu vực nông thôn, các vấn đề xã hội như: bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ... Đặc biệt là hỗ trợ các mô hình sinh kế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đem lại lợi ích thiết thực cho các hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và những người yếu thế trong xã hội, giúp họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống và tự tin sớm hoà nhập với cộng đồng.

“Bên cạnh hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, thông qua việc triển khai thực hiện các dự án từ nguồn viện trợ PCPNN đã giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương không ngừng nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý, tích cực, chủ động trong công tác và ngày càng tiếp cận với môi trường hiện đại, tạo sự gần gũi, thân mật giũa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước”, bà Trần Thị Kiều Yến cho biết.

Hệ thống thu trữ nước mưa do Tổ chức Save the Children hỗ trợ góp phần tăng cường khả năng tiếp cận nước sạch, vệ sinh cho người dân.

Nhiệm kỳ 2021-2026, Liên hiệp hữu nghị tỉnh xác định tăng cường xây dựng, củng cố và mở rộng các quan hệ đối tác. Trong đó, cần thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong hoạt động đối ngoại Nhân dân và công tác vận động PCPNN; tích cực tham gia công tác vận động, tập hợp người Việt Nam, đặc biệt là người Cà Mau, ở nước ngoài.

“Thực hiện tốt vai trò là cầu nối để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hoạt động đối ngoại Nhân dân với đối ngoại của Đảng và ngoại giao Nhà nước, giữa các tổ chức Nhân dân, nhằm phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp, sự đồng bộ, thống nhất của các tổ chức trên mặt trận đối ngoại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn cách mạng mới”, ông Nguyễn Đồng Khởi, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau, thông tin.

Nhiệm kỳ 2016-2021, Cà Mau đã tiếp nhận, triển khai thực hiện 68 khoản viện trợ PCPNN từ 26 tổ chức PCPNN, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, với tổng giá trị cam kết các khoản viện trợ là hơn 245 tỷ đồng; đến cuối năm 2021 đã giải ngân 100 tỷ đồng.

Trong đó, dự án “Đánh giá tính hiệu quả và an toàn của mô hình chẩn đoán và điều trị phổ cập lao tiềm ẩn kết hợp phát hiện chủ động các ca bệnh lao trong việc giảm tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng tại Cà Mau”, do Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock triển khai, có vốn viện trợ nhiều nhất với 66,5 tỷ đồng; Tổ chức Save the Children có nhiều dự án nhất với 8 khoản viện trợ; dự án đầu tư lâu nhất tại Cà Mau là dự án của Tổ chức Bánh mì cho thế giới, 17 năm, từ năm 2005-2022.

Theo Báo Cà Mau