Cà Mau: Phát triển sản phẩm OCOP dựa trên tiềm năng

23/05/2023 - 09:46

Huyện Ðầm Dơi là địa phương có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP nhiều nhất tỉnh hiện nay, với 40 sản phẩm. Ðể đạt được điều này, huyện đã chủ động khai thác sản phẩm dựa trên tiềm năng sẵn có ở địa phương. Nhờ vậy, sản phẩm vừa gắn liền với đời sống người dân vừa đảm bảo chất lượng, tạo dựng thương hiệu lâu dài.

A A

Ông Huỳnh Nhật Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Huyện hiện có 40 sản phẩm của 12 chủ thể trên địa bàn 10 xã được công nhận. Trong đó, có 3 sản phẩm đạt 4 sao, 37 sản phẩm đạt 3 sao. Ðã qua, các chủ thể phát huy được tính năng động, sáng tạo, có các phương án, kế hoạch để quảng bá cho sản phẩm, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm máy móc, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường”.

Hiện nay, các chủ thể cần hỗ trợ lập các dự án mở rộng quy mô sản xuất, tư vấn, chứng nhận các vùng nguyên liệu sản xuất theo các tiêu chuẩn và ứng dụng các giải pháp công nghệ số, truy xuất nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm

Chủ động nguồn sản phẩm tiềm năng

Ðể có sản phẩm đạt OCOP, huyện Ðầm Dơi đã chú trọng rà soát, tìm hiểu những sản phẩm tiềm năng trên địa bàn.

Sau khi rà soát, Hợp tác xã (HTX) Huy Thịnh, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, đang hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ để đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao cho các mặt hàng: ba khía nguyên con, ba khía trộn và chả cá phi chiên. Chị Mã Thị Thêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HÐQT) HTX Huy Thịnh, cho biết: "Với nghề làm mắm, ba khía truyền thống, ban đầu gia đình chỉ buôn bán nhỏ lẻ, được người quen, các hộ lân cận tin dùng; từ năm 2018 mới mở rộng buôn bán nhiều mặt hàng hơn, trong đó có thêm chả cá phi, mắm tôm…”. 

Với nguồn cá phi sẵn có mà giá thành lại khá rẻ, cùng với gia đình có nghề cơ khí nên gia đình chị Thêm đã đầu tư máy đánh vảy, máy xay chả cá phi. Sản phẩm chả được làm theo công thức truyền thống, không phụ gia, không chất bảo quản, có độ dai, ngon, đậm vị nên được bà con ủng hộ. Nhưng chị Thêm lại trăn trở việc chả cá phi rất khó bảo quản trong điều kiện vận chuyển xa, vì chỉ cần thiếu độ lạnh hay quá độ lạnh thì chả sẽ mất ngon, làm giảm đi chất lượng rất nhiều, nên chị quyết định chiên chả cá phi thành phẩm, hút chân không sẽ bảo quản lâu hơn, dễ vận chuyển hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Chị Thêm chia sẻ: “Việc buôn bán nhỏ lẻ, dù mình có nguồn nguyên liệu phong phú cũng sẽ không tạo được thu nhập ổn định. Thế nên, tôi mở HTX để liên kết nhiều người cùng làm, hiện HTX có 9 xã viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng. Nhờ vậy HTX có cơ sở đầu tư thiết bị máy móc, thu gom nguyên liệu, có thêm nhân công để đăng ký vào OCOP. Sản phẩm mình chất lượng, khi đạt được OCOP sẽ được nhiều người biết đến, cũng khẳng định được thương hiệu và được hướng dẫn các quy trình để phát triển ổn định hơn”.

Nâng tầm sản phẩm hiện có

Không chỉ phát triển số lượng sản phẩm OCOP mà huyện Ðầm Dơi còn hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có. Qua rà soát, trên địa bàn huyện có 5 chủ thể với 17 sản phẩm dự kiến đủ điều kiện nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao.

Ðịnh hướng nâng cao chất lượng, HTX Trúc Thương, ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân, đã rất quan tâm, đầu tư cho sản phẩm tôm khô của mình. Trước đó, chị Trần Xuân Oanh, hiện là Chủ tịch HÐQT HTX Trúc Thương, chỉ làm nhỏ lẻ trong gia đình. Nhận thấy nguồn tôm nguyên liệu tự nhiên phong phú sẵn có tại địa phương, chất lượng đã được công nhận nhưng giá thành lại không ổn định, dễ bị mối lái ép giá, năm 2021 chị Oanh mạnh dạn đề xuất thành lập HTX với 7 xã viên, vốn điều lệ 150 triệu đồng. Bên cạnh việc đầu tư máy móc, cải tiến thiết bị sản xuất, chị Oanh tham gia các lớp tập huấn, hoàn thành hồ sơ đăng ký OCOP. Nhờ vậy, năm 2022, HTX Trúc Thương có 3 sản phẩm gồm: tôm khô, tôm khô chà bông, mắm tôm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Bình quân mỗi tháng chị Oanh thu mua từ 5-6 tấn tôm nguyên liệu và bán ra trên 400 kg sản phẩm các loại. Lợi nhuận thu được từ các sản phẩm OCOP đạt trên 100 triệu đồng/năm.

Chị Oanh chia sẻ: “Sản phẩm tôm muốn ngon thì phải lựa chọn tôm đất tươi sống, cùng với công thức truyền thống của gia đình, làm sao giữ được vị ngọt tự nhiên của con tôm và tôm khô không quá mặn, không quá khô cứng. Tất cả các công đoạn đều được canh thời gian. Sau khi sản phẩm vào OCOP, mình càng chú trọng hơn trong quy trình sản xuất, đóng gói, bảo quản… làm sao phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng thì người tiêu dùng mới tin tưởng, sử dụng lâu dài sản phẩm của mình”.

Chị Oanh mong muốn: “Sắp tới, khi được hỗ trợ đầu tư thêm lò sấy năng lượng mặt trời thì sản phẩm của mình hầu như là khép kín được các khâu. Sản phẩm theo đó cũng được đảm bảo hơn, không còn bị lệ thuộc quá nhiều vào thời tiết”.

Hiện nay, nhờ đạt OCOP 3 sao, các sản phẩm của chị Oanh được nhiều người biết đến và đặt mua. Chị Oanh còn mở rộng thị trường bằng cách bán hàng trên hệ thống thương mại điện tử qua địa chỉ websiste:www.hoptacxatructhuong.com.vn. Bình quân mỗi tháng chị Oanh thu mua từ 5-6 tấn tôm nguyên liệu và bán ra trên 400 kg sản phẩm các loại. Lợi nhuận thu được từ các sản phẩm OCOP đạt trên 100 triệu đồng/năm. Từ đó, không chỉ nâng cao giá trị thương phẩm của con tôm đất tự nhiên của huyện Ðầm Dơi mà còn tạo được việc làm cho một số lao động ở địa phương.

Song, muốn phát triển được sản phẩm OCOP bền vững thì vẫn rất cần sự hỗ trợ, hướng dẫn, trợ lực của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cho các chủ thể, trong đó có các vấn đề như: bổ sung các hợp đồng liên kết; hướng dẫn chủ thể lập các dự án mở rộng quy mô sản xuất để gia tăng giá trị và đáp ứng nhu cầu thị trường; hỗ trợ tập huấn, tư vấn, chứng nhận các vùng nguyên liệu sản xuất theo các tiêu chuẩn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,...); hỗ trợ chủ thể OCOP ứng dụng các giải pháp công nghệ số, truy xuất nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm./.

Theo MINH LONG (Báo Cà Mau)