Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh và các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện việc thả rạn nhân tạo tại khu vực biển Tây Cà Mau nhằm bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thuỷ sản (NLTS) kết hợp phát triển du lịch. Từ tháng 9/2020-6/2021, đã tổ chức thả 500 khối rạn xuống khu vực biển Tây tỉnh Cà Mau, được phân thành 5 cụm rạn với 100 khối rạn/cụm.
Tính đến nay, có 900 khối rạn nhân tạo được thả trên vùng biển Tây Cà Mau. Ảnh: HUỲNH VĂN KHẢI
“Năm 2022, thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển NLTS đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương mở rộng thêm diện tích thả rạn nhân tạo tại khu vực biển Tây tỉnh Cà Mau với số lượng 1 cụm gồm 400 khối rạn”, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết.
Tính đến thời điểm này, trên vùng biển Tây tỉnh Cà Mau đã thực hiện thả được 900 khối rạn nhân tạo hình lập phương bằng bê tông cốt thép. Thông qua kết quả điều tra, khảo sát đánh giá trước và sau khi thả rạn, cùng với tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến của cộng đồng ngư dân ven biển cho thấy, vùng biển Cà Mau hoàn toàn thích hợp cho việc thả rạn nhân tạo để bảo vệ, tái tạo và phục hồi NLTS; đồng thời, ngư dân rất đồng tình và ủng hộ chủ trương thả rạn nhân tạo.
Chị Dương Hằng Ny, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Tôi làm nghề thu mua hải sản nhiều năm nay, thấy nguồn lợi hải sản của Cà Mau sụt giảm nhiều. Nhà nước đầu tư rạn san hô để tái tạo NLTS là việc làm thiết thực, không chỉ bảo tồn và phát triển các loài hải sản mà trong tương lai còn có thể phát triển du lịch, tạo thêm nhiều việc làm cho ngư dân”.
Theo Sở NN&PTNT, sau khi thả rạn nhân tạo, NLTS được đánh giá tăng lên và có sự phục hồi rõ rệt, một số loài cá đặc trưng cho cá rạn được tìm thấy tại khu vực biển thả rạn. Các loài sinh vật quan sát được tại khu vực rạn có khuynh hướng tăng về số lượng và kích cỡ qua các lần lặn khảo sát. Ðặc biệt, quan sát được cá thể rùa biển và cá heo xuất hiện trong khu vực rạn - những cá thể mà nhiều ngư dân cho biết trước đây chưa thấy xuất hiện trong khu vực này. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các loài cá như: cá bớp, cá thu, cá nhồng, cá mú, cá hường, rùa biển, cá heo... cho thấy chuỗi thức ăn tự nhiên trong hệ sinh thái vùng rạn đang có dấu hiệu phát triển theo chiều hướng tích cực. NLTS tại khu vực rạn đang có dấu hiệu phục hồi tạo được sự quan tâm của người dân địa phương trong việc bảo tồn NLTS và nhân rộng mô hình trong tương lai; góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân ven biển; giảm thiểu hoạt động khai thác bất hợp pháp, ổn định sinh kế và phát triển kinh tế bền vững cho địa phương…
Ngành chức năng đánh giá, sau khi thả rạn nhân tạo, nguồn lợi thuỷ sản tăng lên và phục hồi rõ rệt. (Ảnh do Chi cục Thuỷ sản cung cấp).
Ðể quản lý, giám sát, Chi cục Thuỷ sản phối hợp với UBND xã Khánh Bình Tây và UBND xã Khánh Bình Tây Bắc hướng dẫn cho 15 thành viên (chủ yếu là cộng đồng ngư dân) thành lập “Tổ đồng quản lý” để canh giữ, quản lý khu vực thả rạn nhân tạo, dựa trên hợp đồng hợp tác và quy chế hoạt động của tổ. Theo đó, tổ có kế hoạch thay phiên nhau canh giữ khu vực biển thả rạn, tàu canh giữ có gắn bảng hiệu nhằm thông báo và tuyên truyền cho cộng đồng ngư dân quanh khu vực biết về hoạt động của mình. Tổ thực hiện nhiệm vụ canh giữ rạn, thông báo tình hình hoạt động khai thác thuỷ sản tại khu vực thả rạn thường xuyên về Chi cục Thuỷ sản để theo dõi, phân chia thời gian cho các tàu thực hiện canh giữ rạn cho chính quyền địa phương và các bên có liên quan. Không những vậy, Chi cục Thuỷ sản chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản tại Sông Ðốc, Khánh Hội hỗ trợ canh giữ khu vực biển thả rạn nhân tạo.
Có thể nói, chương trình hợp tác với Thái Lan thả rạn san hô, nhà cá đã có hiệu quả tốt và cần tiếp tục mở rộng. Theo Sở NN&PTNT, hiện tại mỗi năm thả chỉ vài trăm khối rạn là rất ít, phải đưa vô chương trình nhân rộng, mở rộng ra thì mới có kinh phí thực hiện nhiều thêm. Việc thả rạn san hô nhân tạo đã có hiệu quả nhưng phải kết hợp thả theo cụm và trên các luồng, tuyến ven bờ nhằm không cho phương tiện làm nghề cào vào hoạt động. Ðể việc thả rạn nhân tạo diễn ra thuận lợi, đạt kết quả tốt, cần sự đồng thuận, ủng hộ của chính quyền địa phương cũng như cộng đồng ngư dân với tinh thần tự nguyện tham gia “Vì một nghề cá bền vững”.
Ðể dự án tiếp tục phát triển, nhân rộng, mang lại hiệu quả cao hơn nữa, cần có thêm những chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn hiện nay, qua đó từng bước bảo vệ và phục hồi NLTS gắn với phát triển nghề cá bền vững./.
Theo ĐẶNG DUẨN (Báo Cà Mau)