Cà Mau: Phục hồi vận động cho người bệnh

26/09/2023 - 08:31

Ngày nay, với sự tiến bộ của y học, việc kết hợp cùng lúc giữa y học hiện đại với y học cổ truyền đã mang lại hiệu quả rất cao trong điều trị các bệnh lý sau chấn thương, phẫu thuật, đột quỵ... Không chỉ giúp người bệnh giảm các cơn đau mà còn phục hồi dần các chức năng, sinh hoạt và vận động thuận lợi hơn.

A A

Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học Cổ truyền mỗi ngày tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân, cả nội trú lẫn ngoại trú, đa phần bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên, bị tai biến, chấn thương cột sống, thoái hoá cột sống, thoái hoá các khớp, thoát vị đĩa đệm...

Ðể đáp ứng nhu cầu điều trị, hiện khoa có 3 bác sĩ và 17 kỹ thuật viên, 8 phòng (khu nội trú có 5 phòng, bao gồm 2 phòng tập và 3 phòng điện; khu ngoại trú có 3 phòng tập). Ðể điều trị tốt nhất, trung bình mỗi phòng tiếp nhận 10 bệnh nhân/lượt, sau đó luân phiên các ca, khung giờ để bệnh nhân không phải chờ đợi.

Người bệnh được chiếu tia hồng ngoại làm ấm các chi, giảm tình trạng co cứng, tăng tuần hoàn máu và dãn cơ. (Ảnh chụp tại phòng điện).

Bác sĩ CKI Ðinh Hoàng Ân, Phó trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, cho biết: “Trước khi điều trị, phải tạo sự an tâm, tin tưởng cho bệnh nhân, sau đó đưa ra những bài tập về phục hồi vận động, nếu người bệnh đau nhức thì giảm đau, phục hồi các cơ đã yếu. Những bài tập vận động kết hợp cùng máy sẽ cộng hưởng, mang lại hiệu quả tối ưu nhất”.

Những bài tập từ cơ bản đến nâng cao được bố trí phù hợp với thể trạng, bệnh lý và sức khoẻ mỗi người. Tại bệnh viện, kỹ thuật viên theo sát người bệnh, ghi chú tiến độ phục hồi.

Với lượng bệnh nhân tương đối nhiều, Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng trang bị 8 phòng tập, cả nội trú và ngoại trú. (Ảnh chụp phòng tập dành cho bệnh nhân nội trú).

Công tác tại Khoa, đến nay, anh Nguyễn Hoàng Ân đã có 9 năm trong nghề. “Là kỹ thuật viên, tôi hỗ trợ bệnh nhân tại các phòng tập, bài tập. Ðiều mà tôi nhận thấy là những năm gần đây, lượng bệnh nhân ngày càng trẻ hoá. Trước đa phần là những ông, bà lớn tuổi thì nay có bệnh nhân 15, 16 tuổi mắc các bệnh liên quan đến xương khớp. Trong quá trình tập, với những bệnh nặng, lần đầu đến, cần kiên trì và ân cần hỗ trợ, dành nhiều thời gian trò chuyện để hỗ trợ bệnh nhân khi cần”.

Anh Trần Bá Lâm, kỹ thuật viên, cho biết: “Vì thời gian trị liệu tương đối dài nên cần quan tâm và tạo sự gần gũi, việc ổn định tâm lý cũng là một trong những yếu tố giúp bệnh nhân kiên trì, có động lực phối hợp thực hiện các bài tập đưa ra”.

Ðau nhức do thoái hoá cột sống và đầu gối gần 8 năm, ông Nguyễn Minh Thông (68 tuổi, ngụ xã Biển Bạch, huyện Thới Bình) đến phục hồi vận động tại Bệnh viện Y học Cổ truyền 3 đợt/năm, mỗi đợt khoảng 15 ngày. Ông Thông chia sẻ: “Ở đây, kỹ thuật viên hỗ trợ rất nhiệt tình. Mỗi lần điều trị, tôi thấy khoẻ hơn, các cơn đau không tái đi tái lại khi trời lạnh, nhờ đó mà cử động linh hoạt hơn”.

Mỗi năm, ông Nguyễn Minh Thông đến trị liệu tại Bệnh viện Y học Cổ truyền 3 đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng 15 ngày.

Bà Hồ Thị Hận (56 tuổi, ngụ xã Khánh An, huyện U Minh) bị chèn ép dây thần kinh đốt sống lưng, gây tê chân nên bị hạn chế trong việc đi lại. Bà cho biết: “Tôi điều trị nội trú 15 ngày, chỉ thời gian ngắn nhưng phần lưng đã giảm nhức rất nhiều. Tôi rất mừng”.

Ðể việc điều trị phát huy hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần can thiệp trị liệu sớm nhất có thể, ngay sau chấn thương, sau phẫu thuật hoặc khi có vấn đề về xương khớp, vận động...  đồng thời, nên phối hợp tuân theo chỉ định, dù bệnh nặng hay nhẹ. Tuỳ vào mức độ thương tổn mà thời gian phục hồi sẽ khác nhau, tuy nhiên nếu kiên trì luyện tập, điều trị liên tục, đúng và đủ thì khả năng phục hồi rất cao./.

Theo NGÔ NHI (Báo Cà Mau)