Cà Mau: Tập trung ứng phó thiên tai

01/12/2022 - 09:48

Dự báo diễn biến thời tiết trên khu vực phía Nam biển Ðông trong những ngày đầu tháng 12, xác suất 65-75% xuất hiện vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và khoảng 15-25% nguy cơ mạnh lên thành bão; khả năng cao xuất hiện một đợt mưa to diện rộng ở khu vực Nam Bộ.

A A

Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai TP Cà Mau tham gia diễn tập kỹ thuật chằng chống nhà cửa khi có thiên tai.

Trước dự báo thời tiết trong những ngày tới của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia nói trên, hiện nay chính quyền và người dân các địa phương trong tỉnh đang quyết liệt triển khai các giải pháp ứng phó, bảo vệ sản xuất, tài sản, nhất là người dân mưu sinh bằng nghề khai thác ven bờ dọc theo các cửa biển, cửa sông thông ra biển.

Là địa phương có kênh Ba Tỉnh, kênh Sào Lưới, Kênh 25 thông ra biển, người dân mưu sinh dựa vào các vùng biển ven bờ lớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, đang chủ động triển khai các giải pháp ứng phó. Ông Bùi Chí Ngạn, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, cho biết, đã chỉ đạo và triển khai lực lượng tiến hành thống kê, nắm thông tin tàu thuyền. Trong đó, tập trung tàu cá dưới 20CV do địa phương quản lý và các phương tiện thuỷ gia dụng tham gia khai thác thuỷ sản; luôn giữ thông tin liên lạc để hướng dẫn, kêu gọi vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn khi cần thiết. Ngoài ra, đã tiến hành thông báo và hướng dẫn người dân có nhà thuộc diện phải chằng chống chuẩn bị vật tư cần thiết.

Vàm Hương Mai, Tiểu Dừa, Rạch Vinh và Lung Ranh là 4 cửa sông thông ra biển trên địa bàn xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Trong đó, vàm Hương Mai là nơi có lượng tàu thuyền tập trung đông nhất, với khoảng 131 phương tiện khai thác xa bờ và hơn 350 phương tiện là vỏ máy khai thác ven bờ. Ðời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhà ở kiên cố còn thấp nên nguy cơ thiệt hại cao nếu thiếu sự chủ động khi có áp thấp nhiệt đới, bão.

Tại khu vực vàm Hương Mai, thông tin dự báo thời tiết trên cũng đã đến với các hộ dân. Ông Trần Thiện Khâm, Ấp 7, xã Khánh Tiến, chia sẻ: “Giờ thông tin dự báo thời tiết đến với bà con nhanh lắm, từ loa phát thanh cho đến tin nhắn qua điện thoại và cả thông báo của chính quyền địa phương. Có được thông tin sớm nên bà con chủ động hơn. Hiện nay ý thức của bà con đã nâng lên, những ngày thời tiết bình thường, khi ra biển cũng đã trang bị đầy đủ trang thiết bị đảm bảo an toàn, nhất là áo phao, phao, neo...”.

Trước dự báo diễn biến thời tiết trong những ngày đầu tháng 12 này, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn hoả tốc chỉ đạo về chủ động theo dõi ứng phó thiên tai, trong đó yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố chủ động theo dõi sát tình hình, các bản tin dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão, mưa to diện rộng; căn cứ mức độ ảnh hưởng, diễn biến, đường đi, cấp độ rủi ro của thiên tai tại các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan chức năng để chỉ đạo ứng phó phù hợp với từng thời điểm, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo vệ sản xuất, bảo vệ an toàn đê điều và các công trình phòng, chống thiên tai.

Theo nhận định về xu thế thiên tai của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến hết năm 2022, trạng thái La Nina, tức nước biển lạnh đi so với bình thường, tiếp tục duy trì đến tháng 1/2023 với xác suất khoảng từ 80-90%, sau đó giảm dần với xác suất khoảng từ 50-60%. Dưới tác động này, từ nay đến tháng 4/2023, dự báo trên khu vực biển Ðông sẽ có khoảng từ 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó, có 2 hoặc 3 cơn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung chính ở các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ. Do đó, việc chủ động theo dõi, chủ động giải pháp ứng phó là bước đi đầu tiên và vô cùng quan trọng để giảm thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra./.

Theo NGUYỄN PHÚ (Báo Cà Mau)