Ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, sự lãnh đạo trực tiếp của UBND tỉnh; sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong công tác chỉ đạo, điều hành luôn chủ động, thích ứng an toàn, linh hoạt, thực hiện thành công mục tiêu kép, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tổng sản phẩm (GRDP) của ngành nông nghiệp năm 2021 đạt 13.675 tỷ đồng (theo giá so sánh), tăng 3,44% so cùng kỳ năm 2020; kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt trên 1,1 tỷ USD, ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ðặc biệt, so cùng kỳ năm 2020, tổng sản lượng thuỷ sản năm 2021 ước đạt 613.700 tấn, tăng 3,6%; diện tích gieo trồng lúa đạt 100.083 ha, tổng sản lượng lúa đạt 459.014 tấn, tăng 2,72%.
Bên cạnh việc triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực, ngành còn đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn.
Ông Trần Văn Thức cho biết thêm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất luôn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Những năm gần đây, ngành đã đạt một số kết quả nổi bật, như thực hiện thành công Ðề tài “Chọn giống lúa chịu mặn, năng suất, chất lượng cao tại tỉnh Cà Mau”. Tỉnh Cà Mau đã ứng dụng được công nghệ sinh học phân tử vào chọn tạo 2 dòng lúa chịu mặn cao, phù hợp trên đất mặn Cà Mau (giống lúa CaMau1, CaMau2); xây dựng thành công quy trình sản xuất tôm sú giống theo công nghệ Biofloc, nâng cao chất lượng con giống theo hướng an toàn sinh học, đạt chất lượng cao và đã chuyển giao đến 6 trại sản xuất giống, được đánh giá cao về hiệu quả...
Mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Dân Phát, Ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình.
Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tiếp tục được nâng cấp và hiện đại hoá. Có thể khẳng định, năm 2021 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức thì đây là một nỗ lực lớn của ngành nông nghiệp. Kết quả đạt được là khá toàn diện, đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh
Thách thức trước mùa vụ
Với diện tích trên 301.000 ha nuôi thuỷ sản, trong đó có trên 280.000 ha mặt nước nuôi tôm, Cà Mau được xem nơi tôm nuôi nhiều, cung ứng một lượng sản phẩm xuất khẩu ngành hàng tôm lớn nhất nước.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Khó khăn lớn nhất của địa phương là việc kiểm soát nguồn giống, thức ăn, thuốc, vật tư thuỷ sản. Ðặc biệt, thời gian gần đây giá cả các mặt hàng phục vụ cho nuôi thuỷ sản nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung, tăng cao. Ðịa phương đang tích cực phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh để kiểm tra các mặt hàng thuốc, thức ăn, hoá chất, con giống tại các cơ sở kinh doanh trước khi tung ra thị trường”.
Theo chị Nguyễn Thuỳ Trang, chủ đại lý bán vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và thú y tại Phường 2, TP Cà Mau, trong thời gian gần đây, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản đều có thông báo điều chỉnh tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là nguyên liệu nhập khẩu. Nguyên nhân là do nhiều yếu tố, như tôm giống, thức ăn qua nhiều khâu trung gian tăng từ 20-30% so giá gốc. Do đó, các cửa hàng bán lẻ phải điều chỉnh tăng giá bán. Ðặc biệt, có những mặt hàng như phân bón, thuốc thú y thuỷ sản tăng từ 50-100%.
“So với thời điểm năm ngoái, giá thức ăn dùng trong nuôi thuỷ sản và chăn nuôi tăng mạnh và liên tục, kéo dài. Giá thức ăn liên tục tăng khiến người chăn nuôi gặp khó, các trang trại đều nuôi cầm chừng, nhiều chủ trại không dám tái đàn, mở rộng quy mô, thậm chí có nhiều người tính đến chuyện nghỉ nuôi. Do vậy lượng thức ăn tiêu thụ ra thị trường cũng giảm đáng kể", chị Trang cho biết thêm.
Trái ngược với giá cả đầu vào, nông, lâm, thuỷ sản khó tiêu thụ, giá giảm sâu khiến nông dân ngán ngại trong tính toán tái đầu tư.
Một số hộ "treo" đầm do chi phí đầu vào tăng cao.
Anh Nguyễn Văn Nghiệp, một hộ nuôi tôm ở ấp Trần Ðộ, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, cho biết: “Thật ra, giá thức ăn tôm cùng nhiều loại chi phí đầu vào đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trước khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Nhưng do lúc đó, giá tôm còn tốt nên ít ai quan tâm. Sau khi giá tôm, cua cùng nhiều loại nông sản bắt đầu giảm, nhiều người mới giật mình nhìn lại bảng giá vật tư đầu vào và bắt đầu lo lắng”.
Chuyện giá các mặt hàng, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất liệu có tăng thêm hay giảm trong thời gian tới và giá tôm lúc thu hoạch có đạt mức tốt nhất hay không vẫn còn là ẩn số. Hiện, đang là thời điểm thả nuôi rộ và giá vật tư, nguyên liệu đầu vào vẫn đang ở mức cao hơn cùng kỳ, người nuôi tôm đang đứng trước thách thức. Và để giải quyết bài toán này, người nuôi tôm cần tập trung thả nuôi, chăm sóc tốt để đạt năng suất nhằm đảm bảo tốt lợi nhuận cho vụ nuôi, áp dụng quy trình nuôi sạch, có chứng nhận quốc tế nhằm thâm nhập vào các hệ thống phân phối thuỷ sản cao cấp.
Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ riêng nuôi tôm, trồng lúa, nuôi heo, nuôi gà, nuôi cá… giai đoạn hiện nay đang phải chịu rất nhiều áp lực về giá đầu vào trong sản xuất, giá đầu ra cho sản phẩm.
Ông Châu Công Bằng cho biết thêm, để chủ động trước mùa vụ, hạn chế rủi ro diễn biến thời tiết và dịch bệnh, Sở NN&PTNT vừa ban hành khung lịch mùa vụ thả giống nuôi thuỷ sản năm 2022.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm thứ 2 thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Ðịnh hướng tổng thể phát triển ngành nông nghiệp là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi số và phát triển kinh tế hợp tác tạo đột phá tăng trưởng kinh tế ổn định; nguồn lực được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương; kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn được nâng lên.
"Năm 2022 này, ngành tập trung duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân tăng từ 4-4,5%/năm. Theo đó, tập trung phát triển khai thác và nuôi thuỷ sản, đưa tổng sản lượng thuỷ sản lên 630.000 tấn, tăng 2,66%/so với năm 2021, trong đó, sản lượng tôm 230.000 tấn, tăng 5,35%/năm. Tổng diện tích gieo trồng lúa giữ ổn định khoảng 115.000 ha; năng suất bình quân 4,5 tấn/ha; sản lượng đạt 500.000 tấn", ông Trần Văn Thức thông tin./.
Theo Báo Cà Mau