Cà Mau: Vì mục tiêu phát triển bình đẳng

13/11/2023 - 14:27

Với mục tiêu phát triển bình đẳng, đồng đều ở tất cả các vùng, các nhóm xã hội, thời gian qua, Cà Mau đẩy mạnh triển khai các chính sách nhằm tăng cơ hội cho phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ dân tộc, tôn giáo tiếp cận các nguồn lực xã hội, đảm bảo tính công bằng và toàn diện hơn.

Theo đại diện Hội LHPN tỉnh cho biết, hiện hội có 4.299 hội viên tôn giáo, 4.512 hội viên là người dân tộc thiểu số (DTTS). Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác bình đẳng giới đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáng chú ý, kể từ khi Dự án 8 được triển khai tại 65 ấp, khóm thuộc 29 xã của 7 huyện. Kết quả đạt được giúp vị thế của phụ nữ vùng DTTS và trong vùng có đạo được nâng lên. Tỉnh cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tạo việc làm tăng thu nhập, đặc biệt là tạo điều kiện cho phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS được vay vốn ưu đãi từ chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng khác nhau.

Thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ chị em phụ nữ vay vốn ưu đãi từ chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng... phát triển kinh tế, tạo việc làm, từ đó các chị có thu nhập và ổn định cuộc sống. (Mô hình làm tôm khô của chị em phụ nữ ấp Bào Tròn, xã Đông Thới, huyện Cái Nước).

Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: 2021-2025.

Bà Tiêu Việt Tiên, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn, vận hành và quản lý tổ truyền thông, địa chỉ tin cậy cho cán bộ hội cấp huyện, xã, ấp; tổ chức đối thoại chính sách cho 7 đơn vị xã, thị trấn thực hiện Dự án 8, ra mắt các tổ truyền thông cộng đồng để tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xoá bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng. Ngoài ra, Hội còn trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng”.

Từ thực tế cho thấy, bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngược lại, mất cân bằng giới tính làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới, tạo ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu.

Mặc dù sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn, gia đình có cả con trai và con gái nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Kê, người dân tộc Khmer ở ấp Khánh Tư, xã Đông Thới, huyện Cái Nước luôn yêu thương hai con như nhau; đồng thời quan tâm, tạo điều kiện học hành tốt nhất cho các con.

Anh Nguyễn Văn Kê tâm sự: “Nhờ được các anh chị em trong Tổ truyền thông cộng đồng và các chị trong Chi hội phụ nữ ấp thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến pháp luật mà vấn đề bình đẳng giới trong mỗi gia đình người dân nơi đây khá tốt. Trong nhà, mọi người biết yêu thương, đoàn kết, chia sẻ công việc cho nhau, không có định kiến rằng việc bếp núc là của người phụ nữ”.

Chi hội Phụ nữ ấp Khánh Tư, xã Đông Thới tuyên truyền bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình trong  chị em hội viên.

Theo chị Võ Ngọc Lỹ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Khánh Tư nhận xét, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới ở cơ sở diễn ra khá thường xuyên. Ngoài cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội cũng rất tích cực tham gia vào công tác này.

Bà Tiêu Việt Tiên đánh giá, mục đích của việc thực hiện công tác bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS, tôn giáo góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ dân tộc, tôn giáo trong mọi mặt của đời sống xã hội và từng bước hạn chế, hướng tới thay đổi định kiến trong đời sống xã hội, phòng chống bạo lực gia đình trong gia đình. Khi người phụ nữ DTTS khẳng định được khả năng tham gia đóng góp vào kinh tế gia đình và cộng động thì vị thế của họ cũng sẽ dần được nâng cao trong gia đình và ngoài xã hội.

Theo QUỲNH ANH (Báo Cà Mau)