Cà na - món quà của thiên nhiên ban tặng

01/10/2019 - 08:57

Về Long An mùa nước nổi mà không thưởng thức các món ăn từ cà na thì thật là thiếu sót. Loại quả dân dã vốn chỉ là món quà vặt ở vùng nông thôn ngày nào, nay trở thành đặc sản ai cũng muốn thưởng thức và trở thành nguồn thu nhập của nhiều người.

Cà na giúp nhiều người có thêm thu nhập trang trải cuộc sống

Gắn liền với ký ức tuổi thơ

Không ai biết cây cà na có tự bao giờ, thế nhưng, đối với nhiều người lớn lên từ ruộng đồng thì cà na là món quà quê trong ký ức tuổi thơ của bao thế hệ. Mỗi năm, khi nước lũ tràn về trắng xóa cánh đồng cũng là lúc vào mùa thu hoạch cà na. Cây cà na thường mọc cặp những dòng kênh, con rạch. Người dân vùng Đồng Tháp Mười đùa rằng cà na “yêu” nước, nên phải đợi nước nổi về mới trĩu quả. 

Bà Trần Thị Thắm, ngụ xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, cho biết: “Mùa cà na bắt đầu từ tháng 7 (âm lịch) đến khi lũ rút. Trước đây, cà na mọc hoang ở nhiều nơi và chỉ để ăn chơi, ít ai bán. Bây giờ, nhiều người rất thích các món được chế biến từ ca na, nhất là những người sống ở thành phố”.

Theo đó, mùa nước nổi, về Long An, bất cứ chợ nào, chúng ta cũng không khó để bắt gặp cà na bán khắp nơi như một loại đặc sản. Cà na chế biến rất đơn giản. Đơn giản nhất là cà na ăn sống chấm muối ớt. Cầu kỳ thêm chút là đập giập ngâm muối ớt, ngào đường,... Bấy nhiêu thôi cũng đủ níu chân khách hàng và những người con xa xứ. 

Anh Bùi Hồng Truyện, ngụ xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, nói: “Cây cà na gắn liền với ký ức tuổi thơ của gia đình tôi. Đó là hình ảnh mấy anh em trong gia đình rủ nhau hái cà na rồi ngồi tại chỗ chấm muối ớt ăn, người nào người nấy nhăn cả mặt vì vị chua nhưng rất vui vẻ, sau đó là tắm sông. Những ký ức tuổi thơ năm nào làm nao lòng người con xa xứ. Do đó, năm nào cũng vậy, khi đến mùa cà na, tôi đều nhờ người thân mua vài kilôgam gửi lên TP.HCM để tìm về một phần ký ức tuổi thơ”.

Cà na ra phố

Không chỉ người miền Tây thích loại quả mùa nước nổi này mà ngày nay, khách sành ăn cũng bị cà na “mê hoặc”, bởi vị chua, chát đặc trưng nhưng lại có hậu hơi ngọt. Và đây cũng là lý do chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ, chị Châu Thị Hằng, ngụ thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, đã bán hết 20kg cà na. Chị Hằng bộc bạch: “Thông thường, khách hàng rất thích cà na đập giập ướp với đường sẽ cho ra vị chua chua, ngọt ngọt. Hiện nay, có rất nhiều người đi làm xa quê nhờ người thân mua giùm cà na gửi lên, do đó, có người mua cả chục ký là chuyện bình thường”.

Hiện tại, cà na đang vào mùa thu hoạch rộ và được bán với giá 15.000-20.000 đồng/kg, tiểu thương thu mua bán lại với giá 30.000-40.000 đồng/kg. Riêng cà na đã qua chế biến có giá 70.000-100.000 đồng/kg. Ba năm qua, cứ đến mùa nước nổi là vợ chồng anh Nguyễn Văn Trẻ và chị Phạm Thị Thu Dung lại chở nhau từ xã Thạnh Phước về Quốc lộ 62, đoạn qua xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa để bán cà na. Mỗi mùa vụ như vậy kéo dài hơn 2 tháng, vợ chồng anh chị bán gần 700kg cà na các loại, kiếm thu nhập từ 15-20 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Trẻ chia sẻ: “Ở nhà, tôi có 3 cây cà na nhưng vẫn không đủ bán. Do đó, tôi phải đi mua thêm. Tôi thường mua mão nguyên cây để tự mình hái, hoặc mua cân ký tính tiền”.

Cà na thật sự là món quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho người miền Tây và mang trong mình “cái chất” của mùa nước nổi. Vì thế, bất cứ ai khi bắt gặp món ăn dân dã này cũng sẽ nghe lòng miên man nỗi nhớ: Nhớ mùa nước nổi, nhớ cà na.

Theo Báo Long An