Cần mẫn với nghề cưa cây

02/06/2021 - 10:58

Anh Nguyễn Văn Truyền, ấp An Trạch Đông, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam (Bến tre) chia sẻ: “Mỗi người chọn một nghề cho mình. Duyên phận đã gắn chặt cuộc đời tôi với nghề cưa cây gần chục năm. Nỗi buồn xen lẫn niềm vui. Sự tin yêu, quý mến của khách hàng làm động lực giúp tôi bền lòng với nghề”.

A A

Anh Nguyễn Văn Truyền đang cưa hạ cây cho khách hàng. 

Trước khi đến với nghề, anh Truyền trải qua nhiều công việc như: thợ hàn, công nhật (cắt nhánh, tỉa cành mai, cắt củi ở Long Khánh, tỉnh Đồng Nai)… nhưng không mang lại thu nhập cao. Trong một lần làm công việc tỉa cây kiểng (mai vàng) thuê với người cháu, anh đã mượn máy cưa cắt thử thành công. Năm 2010, suy nghĩ đi liền hành động, anh mượn người thân 10 triệu đồng làm vốn khởi nghiệp. Lên Đồng Nai, anh nhờ bạn bè thông thạo về máy cưa tư vấn, giới thiệu mua chiếc máy cưa nội địa, giá 3,6 triệu đồng. Anh khởi nghiệp với nghề “ăn cơm dưới đất, làm chuyện trên trời”.  

“Mới vào nghề, mọi thứ đều lạ lẫm, tự tìm kiếm khách hàng, chưa có sự trải nghiệm. Đôi lúc nản chí, nhưng nghĩ về cuộc sống, cần phấn đấu từng ngày. Đến nay, công việc đã ổn định, được mọi người tin tưởng, mỗi ngày tôi thu nhập ổn định 400 - 500 ngàn đồng”, anh Truyền cho biết.

Thợ cưa cây cần trang bị dụng cụ hành nghề như: máy cưa, dây nài (được tạo nên từ bao xi-măng, bao thức ăn) hay giày đinh để leo cây, dây thừng để kéo cây, đai an toàn, thuốc diệt côn trùng, dao phát quang bụi rậm… Sau khi nhận lịch hẹn với khách hàng, thợ cưa đến nơi, trước tiên cần phải tư vấn khách hàng về mục đích sử dụng cây gỗ (bán hay để lại sử dụng), đề ra phương án cụ thể, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Khách hàng đa phần yêu cầu thợ mé nhánh (dưỡng thân cây, tránh ngã đổ) hoặc hạ cây (sử dụng hoặc bán) như: dừa, bạch đàn, mù u, trâm, sắn...

Anh Truyền chia sẻ: “Quy trình thực hiện của nghề trải qua nhiều công đoạn khác nhau: quan sát tình hình thực tiễn và đưa ra phương án cụ thể, sử dụng thuốc diệt côn trùng, phát quang bụi rậm xung quanh. Hạ cây sẽ có hai hình thức: hạ trực tiếp và đoạn lóng. Hạ trực tiếp, thợ cưa sử dụng công cụ hỗ trợ trèo lên buộc dây thừng nơi trọng yếu, nhờ người phụ kéo cây về hướng cần ngã, cưa gốc để hạ cây. Xong, thợ sẽ đoạn thân cây thành từng khúc theo yêu cầu của khách hàng, tỉa nhánh, cưa cành.

Đoạn lóng áp dụng nơi địa hình khó khăn, có khả năng ảnh hưởng tài sản khách hàng. Thợ cưa định hình phương án, trèo lên cây đoạn thành từng lóng nhỏ, đến chỗ an toàn sẽ sử dụng dây thừng buộc và triển khai như kiểu hạ trực tiếp.

Theo kinh nghiệm thợ cưa, tràm bông vàng hạn chế mé nhánh (làm cây xốp thịt, giá trị sử dụng không cao), ngược lại me tây (còng) nên mé nhánh để tạo lõi cho cây. Mé nhánh hay cắt đoạn trên cây sẽ thực hiện từ trên ngọn về gốc, nhằm hạn chế tác động rung, giựt của gió. Cưa cây, khả năng dự đoán tốt hướng ngã theo dáng cây, dưới sự tác động của hướng gió là điều kiện tiên quyết thực hiện thành công. “Với nghề, không có cây nào cưa khó cả, quan trọng sự kiên nhẫn, bền bỉ tạo nên ý chí của người thợ. Khó khăn dựng xây kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. Đặt chữ tín và niềm tin với khách hàng lên hàng đầu”, anh Truyền bộc bạch.

Gắn bó với nghề gần 10 năm, anh Truyền thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của nghề: Có ngày đi mờ sớm, tối mịt mới về nhà, đòi hỏi người thợ phải có sức dẻo dai, chịu đựng áp lực cao. Côn trùng như: ong, kiến, rắn rết luôn rình rập, cản trở công việc rất nhiều. Nắng, mưa, thậm chí sơ suất sẽ xảy ra tai nạn nghề nghiệp trong tích tắc. Với nghề, người thợ cần sự kiên trì, nhẫn nại; khả năng quan sát nhạy bén, tránh vội vàng; luôn bình tĩnh xử lý mọi tình huống hiệu quả.

Theo LÊ ĐỆ (Báo Đồng Khởi)