Ðường Trần Văn Hoài (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bị ngập sâu khi mưa lớn xuất hiện.
Khả năng ngập sâu do triều cường
Theo nhận định của Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, mực nước đỉnh lũ nội đồng vùng ÐBSCL trong kỳ triều cường nửa cuối tháng 9-2024 kết hợp mưa lũ đầu nguồn đổ về sẽ lên cao. Ðỉnh lũ tại trạm Cần Thơ dự báo đạt mức từ 2,05-2,15m (cao hơn báo động 3 từ 0,05-0,15m); tại trạm Mỹ Thuận dự báo đạt mức từ 1,95-2,05m. Trong trường hợp cực đoan vào thời điểm đỉnh lũ kết hợp triều cường dâng cao và xuất hiện thêm yếu tố thời tiết bất lợi mưa to gió lớn thì đỉnh lũ tại Cần Thơ và Mỹ Thuận có thể lên cao hơn so với nhận định từ 5-10cm.
Cụ thể, mực nước đỉnh triều trên các sông, rạch TP Cần Thơ tiếp tục lên cao và khả năng sẽ đạt đỉnh trong các ngày 20-22 tháng 9 (nhằm 18-20 tháng 8 âm lịch) cao hơn báo động 3 (2m). Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh triều hằng ngày vào 5-7 giờ sáng và chiều tối lúc 16-18 giờ. Ðây là đợt triều cường có đỉnh triều lên mức cao; thời tiết chuyển xấu, do ảnh hưởng của rìa xa hoàn lưu áp thấp nhiệt đới nên mưa nhiều trong những ngày triều cường đạt đỉnh. Các sở, ngành, địa phương cần chú ý đề phòng trong thời gian triều lên kết hợp với mưa lớn sẽ gây ngập úng trên diện rộng tại các khu vực trũng thấp, vùng nội đô ven sông của thành phố… Bên cạnh đó, các khu vực có địa hình thấp trũng thuộc vùng ÐBSCL cũng có nguy cơ ngập sâu trong thời gian này, đặc biệt trên địa bàn vùng giữa và ven biển ÐBSCL, gồm tỉnh Vĩnh Long, các huyện ven sông và giữa 2 sông của tỉnh Ðồng Tháp, các khu vực trung tâm vùng Bán đảo Cà Mau và một số khu vực trên địa bàn vùng thượng ÐBSCL…
Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) TP Cần Thơ, hằng năm, TP Cần Thơ chịu ảnh hưởng do triều cường, nước thượng nguồn đổ về. Nguyên nhân, do thành phố có địa hình bằng phẳng hơi nghiêng theo các chiều, cao từ Ðông Bắc thấp dần xuống Tây Nam và cao từ bờ sông Hậu thấp dần vào nội đồng, rất đặc trưng cho dạng địa hình châu thổ; cao độ mặt đất phổ biến từ 0,5÷1,0m so mực nước biển. Trên địa bàn TP Cần Thơ, hầu hết các đợt ngập sâu, trên diện rộng đều trùng với thời điểm lũ trên sông đạt đỉnh và triều cường lớn nhất tháng 9, tháng 10 và tháng 11 hằng năm.
Ông Huỳnh Thanh Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ, cho biết: Triều Biển Ðông là một trong những nguyên nhân chính gây ra ngập lụt tại TP Cần Thơ, đặc biệt là khu vực nội ô các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy. Chu kỳ triều trung bình 15 ngày trong đó có 1 kỳ triều cường và 1 kỳ triều kém. Thời kỳ triều cường thường xảy ra vào các ngày 1 và 15 âm lịch hằng tháng (hoặc trước hay sau vài ngày). Cũng có nghĩa là, trong 1 tháng xuất hiện 2 lần ngập lụt tại TP Cần Thơ, mỗi đợt kéo dài từ 5 đến 7 ngày, từ thời điểm nước lên đến khi đạt đỉnh và rút theo triều trung bình từ 3 đến 5 giờ. Về đặc điểm mưa tại TP Cần Thơ thường kéo dài từ 30 phút đến 120 phút. Vào những tháng cao điểm của mùa mưa như tháng 9, 10, 11 với những trận mưa lớn, một số tuyến đường, con hẻm không có hệ thống cống tiêu thoát hoặc có nhưng cống bị nghẹt, bị hư hỏng không tiêu thoát được gây ra tình trạng ngập lụt. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa đã làm giảm sự điều tiết tự nhiên của bề mặt lưu vực, san lấp làm giảm các khu trữ nước tự nhiên. Khi mưa xuống hầu như toàn bộ lượng nước mưa đều tập trung thành dòng chảy mặt, không thể thấm xuống đất hoặc trữ lại để giảm lượng dòng chảy tập trung. Thêm vào đó, hạn chế của hệ thống tiêu thoát nước dẫn đến dễ xảy ra ngập úng…
Giải pháp ứng phó
Ðể chủ động tăng cường các giải pháp ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại triều cường, mưa bão gây ra, Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố đã phối hợp Ðài Khí tượng thủy văn thành phố theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục thông tin về diễn biến của triều cường; ban hành sớm nhận định xu thế thời tiết, thủy văn mùa mưa bão, lũ năm 2024 để các cơ quan và người dân biết, chủ động phòng, chống, ứng phó. Ðồng thời, thành phố tổ chức đoàn đi kiểm tra, khảo sát tình hình và chỉ đạo công tác tổ chức ứng phó với triều cường tại các khu vực có nguy cơ cao bị ngập sâu trên địa bàn; chỉ đạo tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi tình hình diễn biến của triều cường, áp thấp nhiệt đới và mưa bão cũng như có những tham mưu, đề xuất với lãnh đạo trong công tác phòng ngừa, ứng phó một cách kịp thời, hiệu quả...
Ðể chống ngập cho vùng nội ô, hiện nay thành phố đang triển khai thực hiện Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Dự án sẽ giúp kiểm soát ngập cho trên 2.657ha vùng lõi các quận Ninh Kiều, Bình Thủy. Tại Hợp phần 1 của dự án đã đầu tư trên 6,1km kè dọc theo tuyến sông Cần Thơ, trên 3km kè dọc theo tuyến sông Cái Sơn, Mương Khai, kết hợp với các hạng mục công trình khác của dự án như các âu thuyền (Cái Khế, Hàng Bàng), các cống ngăn triều (Ðầu Sấu, Rạch Sao, Rạch Ranh, Rạch Súc, rạch Nước Lạnh, rạch Phó Thọ, rạch Cây Dừa, rạch Bà Lễ, rạch Trần Ngọc Quế, rạch Tham Tướng) các van ngăn triều và các trạm bơm nhằm giảm nguy cơ liên quan đến tình trạng ngập lụt tại khu vực đô thị trung tâm TP Cần Thơ...
Ông Huỳnh Thanh Việt nhấn mạnh: “Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành thành phố chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Thành Ðoàn Cần Thơ, UBND các quận, huyện và các đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ chức năng được phân công trong công tác phòng, chống ứng phó với mưa, bão, triều cường. Ðặc biệt khắc phục nhanh sạt lở trên các tuyến giao thông (nếu có xảy ra); tăng cường lực lượng, tổ chức ứng trực, sẵn sàng có mặt để phân luồng, chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông tại các giao lộ và các điểm ngập sâu; kịp thời phân tuyến, phân luồng, điều tiết giao thông và làm nhiệm vụ hỗ trợ, cứu xe của người dân khi bị chết máy, đảm bảo tuyệt đối an toàn đối với người, phương tiện qua lại. Căn cứ vào dự báo tình hình triều cường, chủ động triển khai phương án điều tiết thời gian đến trường và tan học phù hợp; kiểm tra các công trình, mức độ an toàn lưới điện, trạm biến áp ngầm, nổi để đảm bảo an toàn; tăng cường kiểm tra, vận hành có hiệu quả dự án tăng cường khả năng thích ứng của đô thị và các van ngăn triều để hạn chế tối đa nước từ sông Hậu theo sông, rạch, các đường cống chảy vào đô thị; tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao…”.
Theo HÀ VĂN (Báo Cần Thơ)