Cần Thơ: Trợ lực cho sản phẩm OCOP

28/06/2022 - 14:31

Khu vực ĐBSCL hiện có trên 1.270 sản phẩm chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, TP Cần Thơ có 41 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Cùng đó là sự quan tâm, tích cực của chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện chương trình OCOP; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp để kết nối, đưa sản phẩm OCOP phát triển và vươn xa.

Khách tham quan gian hàng quảng bá các sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ tại Tuần lễ OCOP và các sản phẩm tinh hoa hàng Việt Nam 2022 tổ chức tại Siêu thị GO! Cần Thơ.

Tại lễ khai mạc Tuần lễ OCOP và các sản phẩm tinh hoa hàng Việt Nam 2022 do Sở Công Thương TP Cần Thơ phối hợp với Tập đoàn Central Retail Việt Nam tổ chức tại Trung tâm thương mại GO! Cần Thơ mới đây, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, thành phố luôn quan tâm, tích cực triển khai thực hiện OCOP. Các sản phẩm OCOP của khu vực ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, giá trị văn hóa và truyền thống của các địa phương. Sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ đã và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường, tạo dấu ấn với người tiêu dùng, góp phần vào sự tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố trong thời điểm hiện nay. Để trợ lực cho các sản phẩm OCOP, TP Cần Thơ mong Bộ Công Thương có chính sách hỗ trợ về nội dung, kinh phí để các địa phương tổ chức luân phiên với quy mô cấp vùng để tăng cường tính kết nối, giao thương của các sản phẩm OCOP được nhiều người tiêu dùng biết đến, mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn vươn xa ra thế giới.

Chương trình OCOP đã trở thành một chính sách trọng tâm, lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất cả các địa phương trên cả nước. Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, các quy định trong an toàn thực phẩm và môi trường. Để trợ lực cho các sản phẩm OCOP, tại các địa phương đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động chương trình OCOP. Đồng thời, tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức như thực hiện chương trình kết nối, xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP; triển khai xây dựng các điểm quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP…

Theo các chủ thể chương trình OCOP, việc tham gia các chương trình quảng bá cho sản phẩm OCOP giúp các đơn vị tiếp cận được nhiều người tiêu dùng và tìm đối tác để mở rộng thị trường. Thông qua các hoạt động quảng bá như cho khách hàng dùng thử sản phẩm, lắng nghe ý kiến đóng góp của khách hàng, đối tác, đã giúp đơn vị hoàn thiện để có sản phẩm tốt, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Phạm Ngọc Đá, Giám đốc HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa (TP Cần Thơ), cho biết, HTX chuyên về các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo. Bên cạnh nỗ lực để có sản phẩm chất lượng tốt, sự trợ lực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là các nhà phân phối, được xem là rất quan trọng để sản phẩm tiếp cận được thị trường. Thời gian qua, thông qua các chương trình quảng bá, kết nối do Sở Công Thương TP Cần Thơ tổ chức, HTX đã tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và mở rộng thị trường.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail, cho biết, mặc dù là doanh nghiệp FDI (Thái Lan) nhưng tập đoàn luôn ưu tiên quảng bá hàng Việt, trong đó hàng OCOP luôn có sự ưu tiên đặc biệt. Tại các siêu thị đều dành các vị trí ưu tiên trưng bày và kinh doanh các sản phẩm OCOP và các mặt hàng đặc sản vùng miền. Bên cạnh đó, Centrail Retail luôn có những chính sách đặc biệt cho các chủ thể OCOP cũng như các HTX. Đó là, áp dụng phương thức thanh toán nhanh hơn, chỉ 15 ngày sau khi giao hàng thay vì 30 ngày theo quy định thanh toán hàng hóa; được tham gia các chương trình hỗ trợ quảng bá, kết nối… Ngoài ra, Central Retail còn hỗ trợ tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu cho hàng OCOP tiêu chuẩn 5 sao ra thị trường nước ngoài. Thường niên, tập đoàn tổ chức chương trình Tuần lễ hàng Việt Nam tại Bangkok (Thái Lan), đây là cơ hội để các sản phẩm của Việt Nam có cơ hội thâm nhập vào thị trường nước ngoài thông qua các hệ thống siêu thị của tập đoàn tại thị trường Thái Lan và châu Âu.

Việc được công nhận và gắn sao sản phẩm OCOP là một quá trình khắt khe về quy chuẩn, tiêu chuẩn, yêu cầu của tiêu chí. Tuy nhiên, việc giữ được chất lượng sản phẩm OCOP theo sao đã công nhận lại là việc khó khăn. Trên thực tế, có một số nơi, sản phẩm OCOP sau khi được công nhận có hiện tượng giảm về chất lượng và tiêu chí yêu cầu. Do đó, theo các chuyên gia, việc giữ vững được chất lượng sản phẩm OCOP thì vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng. Do vậy, các địa phương cần tăng cường tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ, giám sát quá trình sản xuất của các cơ sở, các chủ thể. Có như vậy mới cùng đơn vị giữ vững được chất lượng sản phẩm OCOP đã được gắn sao.

Ông Nattapol Songkhia, Phó Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh, cho rằng, Thái Lan và Việt Nam đã và đang có mối quan hệ chặt chẽ trên mọi phương diện, đặc biệt là quan hệ kinh tế. Đặc biệt, cả hai quốc gia cũng có nền văn hóa dựa vào nông nghiệp. Do đó cả hai quốc gia đã phát triển mô hình đặc biệt để quảng bá các sản phẩm địa phương đó là mô hình OCOP ở Việt Nam và OTOP ở Thái Lan. Do vậy, việc kết hợp quảng bá sự kiện tạo cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương giới thiệu các đặc sản vùng miền và giúp tiếp cận thị trường lớn hơn.

Theo Báo Cần Thơ