Chiếc chài trên sông quê

05/12/2022 - 14:21

Để thích nghi với vùng sông nước Cửu Long, từ xa xưa, ông cha ta sáng tạo nhiều dụng cụ đánh bắt cá.

Tùy vào địa hình sông ngòi, kênh, rạch và mực nước của từng nơi mà sử dụng phương tiện đánh bắt phù hợp. Ở nơi có mặt nước rộng, để có thể bắt được cá nhanh, người dân miền Tây thường quăng chài.

Chài là dụng cụ đánh bắt cá, tôm được ráp lại từ những tấm lưới hoặc được đan từ sợi nylon, chia thành nhiều nếp, phần chóp chài buộc dây thừng nhỏ chắc chắn dùng giữ và kéo chài lên sau khi tung. Miệng chài buộc nhiều chì viền tạo sức nặng để khi tung chài, miệng chài nhanh chìm xuống nước tóm gọn cá tôm vào túi chài.

Xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao (Kiên Giang) quê tôi, nơi được bao bọc bởi hàng dừa nước xanh mát và những ruộng khóm tiếp nối nhau tạo nên nét đặc trưng của toàn dãy cù lao bên dòng Cái Lớn.

Dù ngày trước nơi đây đất phèn mặn, điều kiện khó khăn, ngăn sông cách chợ nhưng người dân quê tôi vẫn lạc quan, vui sống chan hòa với thiên nhiên và cần cù lao động. Dòng sông Cái Lớn đong đầy, đem đến nguồn lợi cá tôm dồi dào cho cư dân sinh sống dọc hai bờ sông. Ngoài nghề trồng khóm, người dân quê tôi còn tạo nên nhiều nguồn sinh kế cho gia đình từ cây dừa nước và các nghề đánh bắt thô sơ.

Lão nông cùng bạn chài đang chài cá trên sông Cái Lớn.

Hầu hết những gia đình nơi đây đều gắn bó với mảnh đất cù lao này từ nhiều thế hệ và việc bắt cá bằng cách quăng chài quá quen thuộc với người dân. Gia đình tôi mấy đời gắn bó với chiếc chài cá. Bao năm qua, từng chiếc chài cũ được vá đi vá lại rồi thay chài mới bao nhiêu lần có lẽ ông tôi cũng không nhớ rõ. Thế nhưng, công việc ráp chài, vá chài, kỹ thuật quăng chài ra sao thì ông không thể quên.

Ông tôi thường kể về tuổi thơ cơ cực của ông. Vì mồ côi từ nhỏ nên ông tôi sớm tự lập, làm đủ nghề để mưu sinh và chiếc chài đã đồng hành cùng ông tôi lênh đênh trên sông nước kiếm cá cho bữa cơm hàng ngày.

15 tuổi ông biết chài cá thuần thục, nhờ siêng đi chài, mỗi ngày ông tôi kiếm được nhiều loại cá sông như cá chẽm, mè vinh, rô phi, cá trắm cỏ, cá chép, cá vồ đém... Cá nhiều ăn không hết, ông còn bán để kiếm thêm thu nhập.

Sau này, khi gia đình khá giả hơn, con cháu nhiều, mái tóc dần điểm màu mây, ông tôi thường đi chài mỗi khi rảnh. Thuở nhỏ, tôi thường đi theo xem ông chài cá, người lớn đi trước, chúng tôi xách giỏ đựng cá theo sau.

Dù ở bờ mương, bờ kênh, đồng trống hay bưng biền nước ngập, ông tôi đều quăng chài rất điệu nghệ, nhưng có lẽ nơi thật sự giúp ông tôi thỏa sức quăng chài nhất là trên sông Cái Lớn.

Thông thường chài cá không cần dùng mồi nhưng chài trên sông rộng cần có cách tập hợp cá, tôm về một vị trí nhất định để quăng chài, khi đó ông tôi dùng cách rải mồi để dụ cá. Tùy từng thời điểm vào mùa của chúng mà chọn loại mồi thích hợp.

Mùa cá mè vinh dùng lá khoai mì, bông lúa chín, mùa cá chốt dùng mỡ heo, chài tôm càng dùng cám rang hoặc gạo ngâm nước cốt dừa từ chiều hôm trước để chuẩn bị cho chuyến đi chài trong ngày mới.

Thao tác quăng chài rất quan trọng, quyết định việc bắt được lượng cá tôm ra sao, vì vậy người đi chài phải kiên trì tập luyện mới có thể nhuần nhuyễn. Đứng trên bờ giữ thăng bằng để tung chiếc chài nặng hàng chục ký đã khó, đứng trên chiếc xuồng tròng trành giữa sông nước mênh mông càng khó hơn.

Mỗi khi chuẩn bị quăng chài, ông tôi thủ thế vững, xếp từng cụm lưới trên thân chài cân đối rồi bắt trớn hất lên cao, tung lưới dứt khoát và mạnh mẽ, trông ông tôi thật rắn rỏi và quắc thước làm sao.

Một cảnh chài chiều trên sông Cái Lớn.

Ông dặn tôi mỗi khi ông vừa tung chài ra xong, tôi phải bơi xuồng nhanh ngược hướng lại để chiếc xuồng không bị trôi theo dòng nước, mất thế kéo chài. Cứ như vậy, chài xong khu vực này, ông lại sang khu vực khác tiếp tục rải mồi rồi lại quăng chài, chẳng mấy chốc trong khoang xuồng đầy ắp cá tôm.

Những con tôm càng xanh to tướng, có chiếc càng dài hơn cả mình tôm trông thật thích làm sao. Biết chúng tôi thích ăn món tôm nướng nên bữa nào chài xong ông cũng ra bờ sông gom mấy nhánh chà khô, nhóm lửa lên để nướng tôm cho chúng tôi ăn.

Chúng tôi ngồi xung quanh chờ ông chia phần và nghe ông kể những câu chuyện xưa, chuyện ông đi bộ đội, đi đánh giặc, chuyện nghề, chuyện về mảnh đất cù lao bé nhỏ bên dòng sông Cái Lớn…

Những câu chuyện buồn vui qua bao năm tháng, dù có không ít khó khăn, vất vả nhưng nhìn nét rạng rỡ, mãn nguyện trên khuôn mặt đã nhiều đốm đồi mồi cùng những vết hằn của thời gian của ông, tôi cảm nhận được ông tự hào và biết ơn những điều đó.

Ông muốn dạy chúng tôi rằng phải luôn mạnh mẽ, học cách biết ơn cuộc sống, bằng lòng với thực tại và không ngừng cố gắng. Như cây dừa nước dù không ai chăm bón vẫn tốt tươi, xanh mướt, như cây khóm quê mình dù trồng trên đất phèn, đất mặn, dù gai góc, xù xì vẫn cho trái ngọt ngon.

Dẫu chỉ là mảnh đất nhỏ bên dòng sông lớn nhưng ở nơi ấy cho tôi khung trời ký ức thật đáng nhớ. Tôi nhớ những ngày cùng lũ bạn tập lội bằng bập dừa nước, chẻ dừa nước ăn, nhớ những ngày theo cha mẹ ra ruộng khóm vớt trái trong mùa thu hoạch, được mẹ gọt cho những trái khóm ngọt ngon và nhớ nhất những ngày theo ông đi chài cá trên sông. Nếu ví việc tung được chiếc chài tròn là nghệ thuật thì người tung chài cũng là nghệ sĩ vẽ nên nét vẽ miền quê độc đáo ấy.

Với tôi, ông tôi là một trong những “họa sĩ” ấy. Hình ảnh một lão nông rắn rỏi, mộc mạc cùng chiếc chài trên sông quê in đậm trong tâm trí tôi như một phần không thể thiếu trong bức tranh quê  nhà.

Theo HỒNG MỤI (Báo Kiên Giang)