Chợ họp theo mùa

03/10/2022 - 15:07

Tiếng cá nhảy lọc xọc trong thau, tiếng cá trườn rột rẹt trong rổ, tiếng kêu giá, trả giá rổn rảng nghe như thể cãi lộn, vậy chớ hiền khô hà. Những ngọn đèn dầu hồi xưa giờ thay bằng ánh đèn pin đeo trên đầu, chấp chới. Trong gió, mùi tanh quen thuộc lan xa, tất cả làm nên không gian của một chợ cá đồng nào đó, họp chợ ở mé sông, góc đường nào đó.

A A

  Đặt đú bắt cá trên sông và trên đồng.

Chẳng thể nói mấy cái chợ này bắt đầu từ thời gian nào, chỉ biết theo chướng non thổi lao rao khắp mặt sông, thì chợ cá đồng lại họp. Mỗi buổi chợ sẽ bắt đầu từ khuya lơ khuya lắc, tới tầm 2- 3 giờ sáng là nhộn nhịp nhất, rồi đến khi trời đâm mây ngang, sao cày ngả chếch về Đông, dợm hửng sáng thì tan chợ. Mùa này, ai về miệt trên thì chắc chắn có chợ cá đồng “thiệt”, dù ít dù nhiều, theo mùa nước, cá vẫn trôi về. Đồng chiều nhộn nhạo lờ lọp, lưới câu, đú, dớn nhất hạng giác đầu hôm cho tới tầm 11- 12 giờ khuya, rồi hối hả bơi riết về nhà cho kịp đem cá ra họp chợ. Rồi từ những chợ gốc này, cá đồng lại rong ruổi theo những chuyến xe, những chiếc ghe đục tỏa đi khắp xứ hay là những bạn hàng nhỏ nhỏ lại tiếp tục ngồi chợ bán cá lẻ cho người trong xóm. Khi cá chạy những con nước rong, thì chợ họp thêm giác 2- 3 giờ chiều. Lúc này, thì đa phần bạn hàng cân cá đi chợ gần.

Hồi 9- 10 tuổi đã biết ra đồng bắt cá, rồi cả một đời, quanh năm câu lưới, đi soi đồng khô, đồng ngập, giờ Sáu Rum đã 57 tuổi rồi, cũng là gần 50 mùa họp chợ cá đồng dù ngày càng bớt vui, bớt tiền, nhưng vẫn còn đó mỗi mùa chướng thổi bên sông. Hồi xưa thì chỉ bước xuống xuồng đẩy mấy nhịp sào là có thể thả lưới, giăng câu, giờ Sáu Rum phải chạy miết lên tuốt gần biên giới, ra phía bên kia những con đê, con đập chặn dài theo lộ cắt ngang. Đi ngược nước thiệt xa, chạy máy cũng mấy lít xăng, cân cá xong thì thả xuôi quay ra bến sông nào đó nghỉ ngơi, chớ đi đi, về về thì không theo kịp những buổi chợ đồng.

Bây giờ thì tiện lợi vô cùng, từ trên đồng đã nghe các chủ vựa réo liên hồi: “Nay nhiêu lóc, nhiêu rô, nhiêu trê? Có lươn, có ếch hông?”. Mỗi tay đi đánh bắt cá cũng gắn với một chủ vựa là mối ruột nào đó thành quen, năm nào cũng vậy. Cá thì tùy theo chạng, theo trọng lượng, rồi còn “xấu- đẹp” mà phân loại nhứt, loại nhì… xuống nhỏ quá thì dạt chợ xóm, hủn hỉn thì để lại mình ăn, bỏ đi thì tiếc, cá mắm ngày một ít, khan hiếm hơn. Những chợ cá theo mùa đang nhộn nhịp nếu những ngày này ai có về vùng Đồng Tháp, An Giang.

“Chời, cá bự vầy mà dạt xuống loại nhì, hổng khoái à nghe chị Hai!”. “Thôi ông, cá vầy hổng xuống cá dạt là may phước, ở đó mà kì kèo”… tiếng chủ vựa, tiếng cãi của những nông dân bán cá, thiệt xa đã nghe rổn rảng. Xứ mình bị cho là “chặt to, kho mặn” nên ăn nói giọng cũng ầm ào oang oang vậy chớ thiệt tình, hiền khô hà “mấy hia, mấy chế ơi!”. Những thanh âm quen thuộc vang vang trong không gian đặc quánh hơi chướng của buổi họp chợ đồng. Bắt đầu từ hơi chướng non, thì đồng “vô nước chum” là chợ bắt đầu rồi ngày càng đông đúc, nhộn nhịp hơn khi chướng thổi đậm, thì mùa nước cũng đã thực sự ngập sâu trên khắp các đồng nhỏ, đồng lớn. Cá lóc, cá trê cụ, cá rô mề chém vè trong các lung bàu, mương rạch mấy năm trước nổi lên cũng “hội quân” cá bầy, cá non từ thượng nguồn đổ theo con nước thao thiết đổ về làm cuộc giao hoan trên ruộng.

Kinh rạch miền Tây.

Người bán cá, mối lái gom cá qua nhiều năm cũng đã thân quen “ní ná” lâu rồi, nên mọi chuyện giá cả diễn ra cũng nhanh chóng gọn lẹ. Nếu mùa nước nổi miệt Đồng Tháp Mười là mùa nổi kín, thì bên phía Nam sông Hậu là mùa nước nổi mở, nước tràn miên man xuống tận miền hạ. Rồi thêm từ khi người Tây đào con kinh dọc thành Quản Lộ Phụng Hiệp, cùng với hệ thống kinh xương cá miệt ngàn đưa nước đục phù sa lấn sâu vào vùng lõi Hậu Giang, thì chợ cá đồng theo mùa cũng mọc lên theo các chợ Ngã Năm, Ngã Bảy. Một nét văn hóa chợ đồng trải đều khắp miệt trên và miền hạ Sóc Trăng, Hậu Giang.

Từ hồi chướng non cho tới khi chướng song, thì đồng cũng khô dần, chợ cá đồng cũng tan theo một mùa nước nổi qua đi.

Theo NGỌC TRẢNG (Báo Vĩnh Long)