Nhằm nghiên cứu một cách toàn diện chùa ông Bổn Cầu Kè, nhà nghiên cứu Trần Phong Quang đã dày công biên soạn sách “Chùa ông Bổn Cầu Kè, sự hình thành và những sinh hoạt lễ hội truyền thống”. Đây là tài liệu nghiên cứu một cách có hệ thống về chùa Ông Bổn Cầu Kè. Sách do Nhà xuất bản Văn hóa - Nghệ thuật ấn hành năm 2014.
Sách gồm 03 chương: chương 1 “Theo dòng lịch sử”, nghiên cứu quá trình thành lập vùng đất Cầu Kè khi Nhà Nguyễn Lập Dinh. Trong phần tiếp theo của chương 1, tác giả nghiên cứu vùng đất Cầu Kè - sự hình thành và những biến đổi.
Trong chương 2 “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa”. Trong chương này, nhà nghiên cứu đã viết về quá trình Khẩn đất lập làng đầy gian khó của cư dân nơi đây. Tiếp đến tác giả đã tìm hiểu sự hình thành Chùa ông Bổn Cầu Kè trong dòng chảy lịch sử.
Cụ thể tác giả đã trình bày những ghi nhận về Minh Đức Cung (chùa Giồng Lớn, xã Hòa Ân) thờ ông Nhứt; Vạn Ứng Phong Cung (chùa Giữa, xã Hòa Ân) thờ ông Nhì; Vạn Niên Phong Cung (chùa Chợ, thị trấn Cầu Kè) thờ ông Ba và Niên Phong Cung (chùa Cây Sanh, xã Tam Ngãi) thờ ông Tư. Ông Bổn mà đồng bào người Hoa Cầu Kè tôn thờ là bốn anh em kết nghĩa, tương truyền có công đưa thế hệ người Triều Châu đầu tiên di cư đến vùng đất ven Sông Hậu này và khi mất họ đều hiển thánh. Lễ hội cúng ông Bổn đều được tiến hành vào mùa Vu lan và do có đến 4 ngôi chùa nên lễ hội cúng Ông Bổn gần như diễn ra trong cả tháng Bảy âm lịch. Trong đó, Vạn Niên Phong Cung với lợi thế nằm ở trung tâm thị trấn, giao thông thủy bộ thuận tiện, đời sống người dân sung túc nên được chọn là lễ hội chính.
Không chỉ mô tả cụ thể những nơi đã thờ tự Ông Bổn, tác giả còn đi sâu vào tìm hiểu “Nguồn gốc, ý nghĩa các vị thần được thờ tự” trong các công trình nêu trên bao gồm: các thần thánh theo tín ngưỡng người Hoa như Quan Thánh đế, bà Thiên Hậu… còn có các vị thần theo tín ngưỡng người Kinh (Thần Thành hoàng bổn cảnh), tín ngưỡng người Khmer (Neakta). Cùng theo đó là những Lễ vật sẽ được chuẩn bị để dâng cúng thần linh gồm thực phẩm mặn (heo trắng, heo quay, bộ tam sanh, rượu…) và thực phẩm chay.
Trong phần kế tiếp, tác giả trình bày cụ thể "Vu lan thắng hội" và những nghi thức cúng tế gồm: Lễ Thỉnh thần, Lễ Thỉnh kinh, Lễ Hưng tác - Trình Thần Thành hoàng Bổn cảnh, Lễ trình tổ, khai Chung - Cổ, khai kinh, Lễ Thỉnh Thùng bổ mạng, Lễ Tiền hiền từ nghĩa, Khóa lễ cầu an, cầu siêu, Lễ Phóng sanh - Phóng đăng, Lễ Chẩn tế cô hồn, Lễ Tạ thần.
Bên cạnh đó tác giả còn nỗ lực trong việc tìm hiểu ý nghĩa biểu trưng của các hoa văn họa tiết trong các công trình thờ ông Bổn ở Cầu Kè. Phần phụ lục về hình ảnh và sơ đồ cũng đã góp phần nâng giá trị khoa học của công trình nghiên cứu.
Tín ngưỡng thờ Ông Bổn của người Hoa Cầu Kè, Trà Vinh khá tương đồng với tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh của người Việt. Trong bối cảnh tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa ở Cầu Kè luôn được đặt lên hàng đầu thì tín ngưỡng thờ Ông Bổn và lễ hội cúng Ông Bổn đã có sự giao lưu, tiếp biến một cách hài hòa nhiều sắc thái tín ngưỡng - tôn giáo khác như Phật giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Neakta… Qua lễ hội này, khối đại đoàn kết toàn dân tộc Cầu Kè càng được củng cố, tăng cường. Vì ý nghĩa trên chúng tôi xin trân trọng giới thiệu sách Chùa ông Bổn Cầu Kè, sự hình thành và những sinh hoạt lễ hội truyền thống đến bạn đọc gần xa.
Theo SONG MẶC (Báo Trà Vinh)