Chuyển đổi bền vững nông nghiệp ĐBSCL

20/09/2022 - 08:50

Đứng trước các cơ hội và thách thức đan xen, Bộ NN&PTNT đã hợp lực cùng các địa phương, các đối tác tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng.

A A

Đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng.

Sức bật cho nông nghiệp ĐBSCL

Theo Bộ NN&PTNT, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực phát triển nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đóng góp đến 32% GDP toàn ngành nông nghiệp. Đây là vùng kinh tế năng động có mức tăng trưởng GDP nông nghiệp cao hơn mức trung bình cả nước. ĐBSCL còn là vùng xuất khẩu nông sản lớn; tổng kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực của vùng khoảng 8,43 tỉ USD, chiếm 20% cả nước, xuất khẩu gạo chiếm 80%; xuất khẩu cá tra chiếm đến 95%; xuất khẩu tôm chiếm 60%; và xuất khẩu trái cây chiếm 65%. Góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước và thế giới.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, đa giá trị.

Với đóng góp quan trọng của vùng, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp. Theo UBND tỉnh An Giang, tỉnh đã từng bước có chiến lược phát triển trong tổng thể vùng ĐBSCL trên 5 trụ cột: về quản lý nguồn nước - đảm bảo an ninh lương thực, xây dựng kế hoạch chuyển đổi năng lượng bền vững - thực hiện chương trình an toàn nông sản - đào tạo cho nông dân tham gia vào lĩnh vực phi nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nêu rõ thêm: Tỉnh đã xây dựng một chương trình về quản trị nước ngọt, cụ thể là trữ ngọt trong các hoạt động sinh kế và trữ ngọt trong hệ thống thủy lợi hiện có. 2 mô hình này sẽ thực hiện phân tán, không làm mất nhiều diện tích đất của người dân. Bên cạnh đó, An Giang đã đề xuất về Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có chương trình trữ ngọt lớn trong các hồ trữ có quy mô từ 40-60 triệu m3. Xây dựng chương trình sản xuất lúa bền vững, hình thành hệ thống kiểm soát lũ chủ động, xây dựng mã số vùng trồng, hình thành nên những vùng sản xuất lớn để kết nối doanh nghiệp đầu tư. Chuyển đổi dần phương thức sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch, đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Tại Hậu Giang, tỉnh xác định chuyển đổi nông nghiệp bền vững tập trung vào 2 mục tiêu chính là gia tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị sản xuất và bảo vệ môi trường. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua tỉnh đã thực hiện có hiệu quả đề án VnSAT, tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ ứng dụng công nghệ ở tất cả khâu từ sản xuất đến chế biến, xúc tiến thương mại; thí điểm nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.

Chuyển thách thức thành cơ hội

Dù có nhiều nhiều chính sách tạo đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp, nhưng khu vực này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là hạ tầng giao thông vùng còn thiếu kết nối, hệ thống cảng quy mô nhỏ lẻ, hạ tầng dịch vụ logistics yếu, chưa hoàn chỉnh, thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm logistics vệ tinh…

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho rằng thời gian qua nông nghiệp ĐBSCL còn nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, logictics, khoa học công nghệ… Đồng thời đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành đầu tư mạnh mẽ hơn nữa phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, logictics, tạo nền tảng thu hút đầu tư kinh doanh. Tỉnh đề xuất Bộ NN&PTNT sớm thành lập hội đồng điều phối vùng. Cần sớm giải quyết tình trạng di cư cơ học bằng cách tập trung đào tạo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Từ những thách thức, khó khăn đó, tại hội thảo chuyển đổi nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL mới đây, các chuyên gia tập trung góc nhìn toàn cảnh về quy hoạch, kế hoạch để phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long một cách bền vững. Theo các chuyên gia, định hướng chuyển đổi nông nghiệp vùng ĐBSCL cần chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội. Xác định nông nghiệp sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đa giá trị. Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Huy động tất cả các tầng lớp, thành phần xã hội, các đối tác quốc tế và doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển. Thúc đẩy liên kết giữa các tiểu vùng. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao gắn với logistics, công nghiệp chế biến.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng cần tập trung quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức không gian lãnh thổ, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng. Xây dựng các trung tâm đầu mối nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh. Tăng đầu tư cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đào tạo lao động nông nghiệp. Phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ. Hình thành các tổ chức hỗ trợ như văn phòng điều phối, hội đồng điều phối vùng.

Mặt khác, các chuyên gia cho rằng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL bền vững cần tập trung tổ chức lại sản xuất cho nông dân gắn với xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn; hỗ trợ, phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cả chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của toàn dân về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời, tăng cường năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực. Tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân trong điều kiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.   

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, đa giá trị. Đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, phát triển các nông sản có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao. Thúc đẩy phát triển cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Thời gian tới cần phát triển các trung tâm logistics, liên kết chế biến dịch vụ tiêu thụ nông sản của cả vùng và cả nước. Trung tâm liên kết về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo, vùng sinh thái nước ngọt tại An Giang, Đồng Tháp. Trung tâm liên kết thủy sản khu ven biển Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Trung tâm liên kết trái cây, rau màu ở Tiền Giang - Bến Tre… Xây dựng nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái. Phát triển các trung tâm cơ giới hóa vùng theo hướng xã hội hóa.

Theo Báo Hậu Giang