Cơ hội phát triển giao thông xanh cho ĐBSCL

04/11/2024 - 08:50

Theo các chuyên gia, giao thông xanh, đặc biệt là xe điện, đang là một trong những giải pháp then chốt giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại hội thảo “Ðịnh hướng công nghệ cho ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu quản trị thành phố thông minh” các chuyên gia đã tập trung phân tích tiềm năng, thách thức và đề xuất các giải pháp toàn diện, từ nâng cao nhận thức, hoàn thiện hạ tầng đến ứng dụng công nghệ, nhằm thúc đẩy giao thông xanh tại khu vực.

Các dòng xe điện của VinFast trong một sự kiện lái thử xe ở TP Cần Thơ.

Nhu cầu cấp thiết

Theo PGS. TS Nguyễn Võ Châu Ngân, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Trường Ðại học Cần Thơ, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, gia tăng các nhu cầu thiết yếu như nhà ở, việc làm, phương tiện di chuyển... Tuy nhiên quá trình này cũng gây ra áp lực về ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, dịch vụ, từ sinh hoạt của cư dân đặc biệt từ khí thải phương tiện giao thông. Các tác hại từ bụi, khí thải gây ra các bệnh lý liên quan đến tai, mũi, họng... ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Theo kết quả từ nhóm nghiên cứu của Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Trường Ðại học Cần Thơ về đo khí thải từ các xe máy, tính toán và xây dựng mô hình phát sinh bụi, khí thải từ xe máy, với kịch bản TP Cần Thơ có 800.000 xe máy, số lượng xe số bằng với xe tay ga, nhóm xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 66,5%, trung bình mỗi xe di chuyển 16,4 km/ngày... khi đó lượng phát thải trong 1 ngày của xe máy là 4.658,33 tấn CO, 792,17 tấn N2O, 26,86kg TVOC, 0,06kg HCHO, 4,07 kg bụi PM10 và PM2.5. Mức độ ô nhiễm có xu hướng gia tăng ở khu đô thị, nơi tập trung lượng xe máy lớn lưu thông trong điều kiện bất lợi (đèn giao thông, kẹt xe…).

TP Cần Thơ đang hướng tới xây dựng một đô thị thông minh và bền vững. Trong bối cảnh dân số gia tăng, đặc biệt là hơn 100.000 sinh viên đến từ 6 trường đại học lớn tại các quận Ninh Kiều và Cái Răng, việc quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông công cộng đóng vai trò thiết yếu. Theo TS Nguyễn Hồng Phúc, Trưởng Khoa, Khoa Quản lý công nghiệp, Trường Ðại học Cần Thơ, kết quả khảo sát của Khoa Quản lý công nghiệp, Trường Ðại học Cần Thơ đối với 200 sinh viên, có đến 88,5% sinh viên hiện đang sử dụng xe máy làm phương tiện chính để đi học, nhưng 50% trong số họ cho biết sẵn sàng chuyển sang xe buýt điện nếu điều kiện giao thông thuận tiện và an toàn hơn. Ðiều này phản ánh xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ của giới trẻ, đồng thời đặt ra thách thức và cơ hội cho thành phố trong việc cải thiện hệ thống giao thông công cộng.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Kinh doanh, Ðại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cần giúp người dân nhận thức được các rủi ro có thể gây ra cho môi trường khi sử dụng xe xăng để có thể giảm thiểu sử dụng các phương tiện giao thông có thể gây hại cho môi trường. Trước thực trạng nước biển dâng, triều cường gây ảnh hưởng đến các đô thị trong vùng ÐBSCL, các địa phương phải sử dụng các phương pháp ngăn ngừa triều cường, ngập lụt và mọi người ngày càng nhận thức rõ những tác động của biến đổi khí hậu lên môi trường sống nên hành vi của người dân cũng dần thay đổi. Bên cạnh đó xu hướng chuyển xe xăng sang xe điện nhiều hơn để ứng phó với ngập lụt, giảm phát thải khí nhà kính.

Cơ hội chuyển đổi xanh

Theo TS Nguyễn Hồng Phúc, Trưởng Khoa, Khoa Quản lý công nghiệp, Trường Ðại học Cần Thơ, bằng cách áp dụng phương pháp tối ưu hóa kết hợp mô phỏng, nghiên cứu đã đề xuất 4 tuyến xe buýt mới tại TP Cần Thơ với tổng chiều dài 61km, kết nối các điểm nhà trọ sinh viên và trường đại học một cách hợp lý. Các tuyến đường này bao gồm 18 điểm dừng, trong đó 6 điểm tập trung gần các trường đại học lớn, đảm bảo 82,7% sinh viên có thể tiếp cận xe buýt chỉ với khoảng cách đi bộ 700 mét đến điểm dừng gần nhất. Ðặc biệt, hệ thống xe buýt điện được đề xuất không chỉ tiết kiệm chi phí vận hành mà còn góp phần giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường. Ðể hiện thực hóa kế hoạch này, các nhà nghiên cứu khuyến nghị mở rộng mạng lưới xe buýt điện, đồng thời đẩy mạnh truyền thông về những lợi ích môi trường và sức khỏe cộng đồng từ việc sử dụng xe buýt điện. Chính quyền cũng nên cân nhắc việc cung cấp các ưu đãi cho sinh viên khi sử dụng phương tiện này. Việc kết hợp hệ thống xe buýt điện mới với mạng lưới giao thông hiện có cũng sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, đồng thời giảm áp lực giao thông trong giờ cao điểm.

Theo PGS.TS Nguyễn Võ Châu Ngân, cần tăng cường truyền thông để thay đổi thói quen sử dụng xe máy của người dân, tranh thủ sự ủng hộ của người dân chuyển đổi sang các phương tiện xanh để giảm ô nhiễm môi trường. Cần quy hoạch đồng bộ hạ tầng giao thông (cầu đường, giao lộ, cầu vượt, thông tin tín hiệu, hệ thống giao thông thông minh), kết hợp phát triển mạnh giao thông công cộng cả về chất và lượng bằng các phương tiện xanh. Ưu tiên cho phương tiện giao thông công cộng như hỗ trợ giá vé, các bãi giữ xe cá nhân, các trạm dừng đỗ đón trả khách, hạ tầng đi bộ an toàn, làn đường ưu tiên, ưu đãi về cầu đường, trạm sạc điện. Cần có lộ trình cụ thể hỗ trợ các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh; có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xe điện như ưu đãi giảm thuế - phí, hỗ trợ tài chính (giá, thuế) để đổi xe xanh.

Xe điện là một trong những giải pháp chuyển đổi giao thông xanh để thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, việc Chính phủ có chính sách miễn thuế đối với xe điện sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng xe điện. Bên cạnh đó, nếu phát triển tốt về cơ sở hạ tầng phục vụ cho giao thông xanh, thành phố thông minh, có các trạm sạc điện được trang bị đồng bộ sẽ thúc đẩy chuyển đổi sang xe xanh. Chính phủ cần có chính sách về đầu tư hạ tầng, cung cấp thông tin có liên quan đến việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Cần triển khai đồng bộ mô hình giao thông thông minh gắn với thành phố thông minh dựa trên giao thông xanh gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, sử dụng các loại nhiên liệu thân thiện với môi trường. Ðầu tư giao thông xanh cần đồng bộ với đô thị thông minh, tăng cường mức độ nhận thức về rủi ro môi trường, sự tham gia của Chính phủ và các tổ chức phi Chính phủ để huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, tiếp cận truyền tải thông tin chính sách kịp thời để người dân và doanh nghiệp đồng thuận tham gia chuyển đổi sang giao thông xanh.

Theo MINH HUYỀN (Báo Cần Thơ)