Sáng ngày 10/5 (nhằm ngày 21/3 âm lịch), tại Lăng Ông Nam Hải, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đã diễn ra Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải. Đại diện một số sở, ngành tỉnh; lãnh đạo địa phương và hàng trăm người dân trong và ngoài thị trấn đến tham dự.
Ngay từ sáng sớm, hàng chục tàu thuyền lớn, nhỏ đã trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ hộ tống tàu chính ra biển thỉnh cá Ông. Trên Tàu chính được trang bị nhạc, trống, múa lân, kiệu, cờ, lọng, đồ cúng tế rất trang trọng. Đoàn tàu ra đến cửa biển, trống, kèn nổi lên, ngư dân cầu nguyện, cúng bái “xin keo” rồi quay trở về. Tiếp đến, tại Lăng Ông đoàn rước bắt đầu các bước cúng bái với hàng trăm người và chính thức khai mạc lễ hội.
Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Trần Đề tham gia cùng đoàn tàu Nghinh Ông. Ảnh: THIỆN HẢI
Theo các ngư dân huyện Trần Đề, lễ Nghinh Ông có từ năm 1955 tại Bãi Giá (trước đây thuộc xã Trung Bình, huyện Long Phú). Thời đấy, người dân đi biển phát hiện một xác cá Ông to lớn trôi dạt tại bờ kênh này. Người dân địa phương đã vớt xác cá Ông vào bờ lập miếu thờ cúng bằng tre lá đơn sơ. Từ năm 1983, ngư dân làng này làm ăn phát đạt nhanh chóng, mới di dời Lăng Ông về thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề. Theo thông lệ hàng năm, vào ngày 21, 22, 23 tháng 3 âm lịch, ngư dân thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề tổ chức Lễ Kỳ Yên cúng Ông Nam Hải với ý nghĩa cầu cho “Quốc thái dân an - Mưa thuận gió hòa - Khai thác được nhiều nguồn thủy sản”. Qua đó giá trị di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy và quảng bá.
Nhiều người tham gia đoàn Nghinh Ông. Ảnh: THIỆN HẢI
Lễ hội Nghinh Ông gồm có hai phần chính là lễ rước Ông và lễ tế truyền thống. Lễ rước kiệu tướng quân Nam Hải là nghi thức được tổ chức long trọng nhất, ngoài ra còn có các lễ thỉnh Bà, cúng Chánh Tế, cúng Tiền Vãng, lễ Xây chầu, hát bộ cúng Ông và không kém phần quan trọng kết thúc chương trình lễ là Lễ Tôn Vương. Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải đã trở thành nét văn hóa dân gian đặc sắc của các thế hệ ngư dân ở địa phương, là lễ hội tín ngưỡng dân gian của người dân vùng biển Trần Đề đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2019, là niềm tự hào của người dân địa phương.
Tàu chính Nghinh Ông được trang bị nhạc, trống, múa lân, kiệu, cờ, đồ cúng tế rất trang trọng. Ảnh: THIỆN HẢI
Đồng chí Dương Thanh Ngân - Chủ tịch UBND thị trấn Trần Đề cho biết, không riêng gì người dân thị trấn mà các ngư dân ở địa phương ngoài tỉnh cũng đến dâng hương trong thời gian diễn ra lễ hội từ ngày 21 đến 23, tháng 3 âm lịch. Những năm trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lễ hội tạm ngưng, có năm được tổ chức đơn giản, số lượng tàu tham gia rất ít. Riêng năm nay, sự kiện được thị trấn phối hợp tổ chức quy mô hơn, ngoài các phần lễ còn có các trò chơi dân gian, văn nghệ thu hút nhiều thanh niên và người dân tham gia với mong muốn lễ hội được nâng tầm lên cấp tỉnh.
Trong những năm qua, huyện Trần Đề đã huy động các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và cơ sở hạ tầng phát triển nghề cá. Đặc biệt, Trần Đề đang có lợi thế về du lịch do có tuyến tàu cao tốc từ Trần Đề đi Côn Đảo và ngược lại đã được đưa vào vận hành khai thác để phục vụ khách du lịch. Trong quá trình phát triển, huyện cũng luôn đồng hành cùng ngư dân bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nghinh Ông. Qua lễ hội, không chỉ gắn kết cộng đồng, bảo tồn văn hóa mà còn góp phần kích thích sự phát triển kinh tế thông qua thu hút khách du lịch gần xa.
Theo THIỆN HẢI (Báo Sóc Trăng)