Đất khóm nay đã khác xưa...

07/10/2024 - 10:02

Là loại cây trồng đặc trưng, chủ lực tại thành phố Vị Thanh, khóm Cầu Đúc đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống người dân. Về thăm nơi đây, ai cũng phải cảm thán, vùng khóm nay đã khác xưa.

Niềm vui của người nông dân khi khóm trúng mùa, được giá.

Đổi đời nhờ khóm

66 tuổi, nhưng ông Lê Thanh Sơn, ở ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, đã có 46 năm gắn bó với cây khóm. Là cựu chiến binh, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cuối năm 1978, ông Sơn mới trở về quê hương để làm kinh tế, gây dựng lại cuộc sống gia đình. Lúc bấy giờ, khóm Cầu Đúc đã có mấy chục năm bám rễ ở xứ này, mang lại thu nhập khá cho người dân, được ông Sơn chọn để trồng.

Khóm Cầu Đúc giúp đời sống nhiều người dân từng bước được nâng lên.

Buổi đầu khởi nghiệp lắm gian nan. Thiếu vốn liếng, chưa có kỹ thuật, nên gia đình ông Sơn phải đi vay mượn lãi cao để sửa đất, lên liếp, rồi xin từng cây khóm giống về trồng. Nhờ chịu khó học hỏi và chăm bón, nên sau 2 năm, khóm bắt đầu cho thu hoạch và mang lại lợi nhuận khá. Gia đình ông dần trả được nợ, ổn định cuộc sống. Rồi từ gia đình lớn, ông Sơn lập gia đình riêng và mua thêm 15 công đất để trồng khóm cho đến ngày nay.

Qua 46 năm gắn bó với cây khóm, hơn ai hết, ông Sơn hiểu rõ những giá trị loại cây này mang lại cho đời sống người dân xứ mình. Ông Sơn chia sẻ: “Giờ mà khóm bán từ 8.000 đồng trở lên thì người nông dân có lời. Ngoài khóm trái, thì tụi tui còn bán được con khóm. Rồi khi khai phá thì bán củ hủ để làm món ăn. Dưới mương khóm, tui tận dụng nuôi ốc, cá sặc rằn, cá dày rồi trồng rau nhút để kiếm thêm thu nhập”. Nhờ vậy mà từ những ngày đầu tay trắng, giờ gia đình ông đã có nhà cửa khang trang, cuộc sống khá giả.

Toàn xã Hỏa Tiến hiện có 1.220ha đất trồng khóm, trong đó có hơn 900ha đang thu hoạch. Đây là loại cây có diện tích trồng lớn nhất của địa phương này. Cây khóm đã góp phần giúp đời sống người dân nơi đây từng bước được nâng lên. Từ một xã nghèo, Hỏa Tiến từng bước đạt chuẩn xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao rồi nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 79 triệu đồng/người/năm.

Thành phố Vị Thanh hiện có 2.475ha đất trồng khóm, trong đó diện tích thu hoạch là 1.766ha, với năng suất trung bình khoảng 16,64 tấn/ha. Mỗi trái loại 1 có giá bán tại rẫy dao động từ 11.000 đồng đến 15.000 đồng. Mức giá này mang lại cho người trồng khóm lợi nhuận khá. Ngoài ra, còn có thu nhập từ việc bán con khóm, củ hủ khóm.

Cứ thế, đời sống người dân xứ khóm từng bước được nâng lên. Nhiều hộ trở nên khá giả nhờ trồng loại cây này.

Đưa khóm Cầu Đúc vươn xa

Để phát triển vùng khóm, thời gian qua, thành phố Vị Thanh đã quan tâm, áp dụng khoa học kỹ thuật trên loại cây này.

Tiêu biểu là việc triển khai các mô hình trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, khóm hữu cơ. Xây dựng mã số vùng trồng cho trái khóm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Tổ chức các chương trình tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm. Đẩy mạnh kinh tế tập thể để người dân canh tác và tiêu thụ khóm thuận lợi hơn.

Những món ngon từ khóm giúp khóm Cầu Đúc ngày càng vươn xa.

Ở xã Tân Tiến hiện có 1 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác trồng khóm. Ông Huỳnh Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động người dân cải tạo diện tích đất thấp và già cỗi để trồng khóm mới. Tuyên truyền người dân sản xuất khóm an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học và tăng cường dùng phân bón hữu cơ. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu của quá trình trồng. Hình thành và củng cố hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng khóm trên địa bàn xã”.

Là loại cây lâu đời tại địa phương, người dân không chỉ trồng khóm Cầu Đúc để bán trái tươi, mà còn tận dụng chế biến đa dạng hóa sản phẩm. Tâm huyết với trái khóm, từ năm 2019, anh Lâm Trường Thọ, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, bắt đầu nghiên cứu các sản phẩm từ khóm. Hiện nay, Cơ sở sản xuất Trường Thọ của anh đã có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là Rượu khóm Trường Thọ và Nước màu khóm Trường Thọ. “Tôi đang tiếp tục nghiên cứu thêm các sản phẩm bánh, kẹo làm từ khóm để đưa ra thị trường trong thời gian tới, góp phần phát huy giá trị cây khóm xứ mình”, anh Thọ chia sẻ.

Ngoài rượu khóm, nước màu khóm, thành phố Vị Thanh còn có các sản phẩm làm từ khóm đạt chuẩn OCOP như: Mứt khóm, Dưa chua củ hủ khóm (Cơ sở sản xuất Vân Lộc, xã Hỏa Tiến), Siro khóm Huy Minh, Siro khóm củ dền Huy Minh (Cơ sở sản xuất Huy Minh, phường VII),... Ngoài ra, còn có những món ăn được chế biến từ trái khóm và củ hủ khóm. Tất cả đã trở thành đặc sản của địa phương, góp phần đưa hương vị khóm Cầu Đúc vươn xa.

Ngày nay, vùng trồng khóm Cầu Đúc là một điểm du lịch tiềm năng của tỉnh. Đến đây, du khách không chỉ được ngắm nhìn những rẫy khóm bạt ngàn, được trải nghiệm cuộc sống của người nông dân trồng khóm, mà còn được thưởng thức các món ngon từ khóm.

Còn đối với những ai đã từng đến nơi này vào mấy thập kỷ trước, chắc giờ sẽ phải bất ngờ, bởi: Đất khóm nay đã khác xưa!

Theo ĐANG THƯ (Báo Hậu Giang)