Dạy chữ phải đi đôi dạy người...

12/09/2023 - 15:06

Dù có quan tâm nhưng vẫn xảy ra những việc đáng buồn khi năm học mới chưa bắt đầu được bao lâu. Việc tăng cường rèn luyện nhân cách, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh được xem là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng ở mỗi trường học.

Giáo viên gần gũi, quan tâm học sinh sẽ giúp các em thêm yêu trường, mến lớp, hòa đồng với bạn bè hơn.

Chuyện không vui ngay đầu năm học mới...

Mới đây, dư luận xã hội bức xúc khi xuất hiện 2 đoạn clip ngắn trên facebook, ghi lại hình ảnh 1 học sinh nữ, bị nhóm học sinh cùng trường chặn đường đánh. Vụ việc xảy ra ngày 4-9, tại địa bàn ấp 5, xã V.Đ, cách Trường THCS V.Đ. hơn 1km. Em N.T.H.N., lớp 6A1, Trường THCS V.Đ., huyện Vị Thủy bị nhóm gồm 5 nữ học sinh cùng trường đánh, quay video đưa lên mạng xã hội. Tìm hiểu nguyên nhân ban đầu, em N. có mâu thuẫn vì nhắn tin qua lại trên mạng xã hội với em D., lớp 8A3 cùng trường (em D. là bạn với nhóm học sinh đánh em N.). Công an xã đã phối hợp với nhà trường mời các em học sinh và phụ huynh của các em đánh học sinh N. lên làm việc tại trụ sở Công an xã. Các em thấy có lỗi và thừa nhận hành vi đánh nhau.

Bà Huỳnh Thị Cẩm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Tất cả các em học sinh trong vụ việc đều có hoàn cảnh rất đặc biệt, ba mẹ đi làm ăn xa, ở với ông bà. Điều kiện gia đình khó khăn, ông bà lớn tuổi ít quan tâm đến những thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi các em, nên khi có những biểu hiện bất thường khó nắm bắt để phối hợp với nhà trường quan tâm, động viên, hỗ trợ, kịp thời giáo dục nên dẫn ra vụ việc đáng tiếc. Qua làm việc với các em, chúng tôi phân tích, mức độ ảnh hưởng của vụ việc, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà xảy ra hành động quá đáng tiếc. Các em đã nhận ra lỗi, hứa sẽ không tái phạm. Về phía phụ huynh các em đánh em N. cũng hứa cam kết gặp gỡ gia đình em N. để trao đổi, hòa giải”.

5 học sinh đánh bạn vẫn đến trường học tập, dưới sự quản lý của giáo viên chủ nhiệm lớp. Riêng em N. từ khi xảy ra vụ việc đến ngày 10-9, em chưa đến trường học tập. “Chúng tôi thường xuyên thăm hỏi, động viên hỗ trợ tinh thần nhiều lần cho em N., nhưng do đường đến trường của em đi lại khó khăn nên chưa đến trường học. Hiện tại, em về ở với ông bà ngoại bên huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, ba mẹ đi làm ăn xa. Gia đình có thông báo sẽ đưa em đi học vào tuần sau để kịp chương trình”, bà Huỳnh Thị Cẩm thông tin thêm.

Vụ việc học sinh đánh bạn, rồi quay clip tung lên mạng xã hội tại tỉnh là chuyện đáng tiếc, nhưng vẫn đã xảy ra. Điển hình như câu chuyện “Không thích thì đánh” của một nhóm học sinh nữ trường THPT trong tỉnh năm học trước, cũng đánh nhau rồi tung clip lên mạng…

 Các trường, thầy cô giáo đều thông tin đã triển khai đầy đủ các biện pháp tư vấn tâm lý, hỗ trợ, tăng cường rèn luyện nhân cách, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Vậy nguyên nhân do đâu các vụ bạo lực học đường vẫn xảy ra?...

Giải quyết dứt điểm bạo lực học đường: Phải cộng đồng trách nhiệm !

Các em vô lễ với thầy cô, người lớn, nói dối, xô xát, đánh bạn, quay clip, hẹn nhau tụ tập, bàn chuyện đánh nhóm này, dằn mặt nhóm kia, đua xe ở các điểm vắng khu dân cư, hay chỉ đơn giản một hành động, nguyên nhân... “lãng xẹt”: ghen tuông, đố kị, cảm thấy khó chịu khi bị bạn liếc nhìn, bạn học chảnh… Những vụ đánh nhau giữa nhóm học sinh trường này với học sinh trường kia, hay giữa nhóm lớp này với nhóm lớp kia, những năm gần đây ngày một gia tăng theo lứa tuổi, cấp học ở nhiều tỉnh, thành.

Bạo lực học đường làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội. Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, phân tích: “Có nhiều nguyên nhân xảy ra bạo lực học đường, như do lứa tuổi học sinh, nhất là bậc THCS trở lên, lứa tuổi này nhạy cảm có nhiều chuyển biến tâm sinh lý, rất cần có sự định hướng, quan tâm hỗ trợ rèn kỹ năng, bồi dưỡng đạo đức cho học sinh rất nhiều. Ngoài ra, do môi trường sống, hoàn cảnh gia đình, cha mẹ đi làm ăn xa, ít có thời gian chăm lo cho con cái, một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như ba mẹ ly hôn, gia đình thiếu quan tâm giao khoán con cái cho nhà trường, học sinh tiếp xúc với mạng xã hội sớm mà không có sự định hướng đúng từ người lớn… nên đa phần chỉ khi vụ việc đáng tiếc xảy ra mới vỡ lẽ”.

Vì thế, nhà trường cần phối hợp với phụ huynh học sinh, quan tâm các em. “Chỉ phòng ngừa, tránh né bạo lực học đường không thôi chưa đủ mà lứa tuổi học sinh cần được giáo dục đạo đức, lối sống, trang bị những kỹ năng sống để các em tự nhận thức, hình thành lối sống đẹp, có đạo đức, ý thức tự phòng tránh thói hư tật xấu mới là vấn đề mấu chốt”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Thực hiện nhiều mô hình giáo dục đạo đức, tư tưởng, rèn kỹ năng sống cho học sinh, các trường xem đây là giải pháp thiết thực. Tại Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh đã có nhiều giải pháp hay, giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực học tập hiệu quả, như mô hình “Chia sẻ là hạnh phúc”, mô hình học tập và làm theo gương Bác: “Đổi tập cũ, rác thải nhựa, nhận quà yêu thương, giờ trải nghiệm của Đội em”, mô hình “Trải nghiệm giờ ra chơi”, chương trình “Vòng tay bè bạn”… đã tạo được sự quan tâm, hỗ trợ học sinh, cùng nhau rèn luyện phẩm chất, năng lực trong học tập. Bà Bạch Thị Duy Liên, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Bạo lực học đường chỉ giải quyết dứt điểm được khi mỗi bậc phụ huynh dành nhiều sự quan tâm cho con em mình, phối hợp tích cực cùng với nhà trường trong giáo dục con cái, cộng đồng xã hội chung tay cùng với nhà trường quan tâm, hỗ trợ, động viên kịp thời những hoàn cảnh khó khăn… Mỗi người chung tay, cộng đồng trách nhiệm vì thế hệ trẻ tương lai, để mỗi học sinh cảm nhận được sự yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc thì tôi tin chắc mỗi em sẽ có sự tiến bộ, tránh xa được những tác nhân xấu từ bên ngoài”.

Xuất phát từ phương châm “tất cả vì học sinh thân yêu”, nhiều trường trong tỉnh cũng thực hiện nhiều cách làm hay như: “Tổ chức Phiên tòa giả định” của Trường THPT Vị Thanh để học sinh biết rõ trách nhiệm của bản thân, hiểu hơn về những quy định pháp luật để tránh không vi phạm. Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả tuần sinh hoạt tập thể đầu năm học để tăng cường tình cảm, sự yêu thương, gần gũi giữa thầy trò, bạn bè, sinh hoạt kỹ nội quy trường, lớp học; hay tại Trường Tiểu học thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, có mô hình “Tiếng trống vui học”, Trường THCS Tân Bình, huyện Phụng Hiệp thực hiện mô hình “Tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh thông qua giá trị của ca dao, tục ngữ”…

Dạy chữ phải đi đôi với dạy người, không phải ngẫu nhiên mà trong các trường học đều có câu “Tiên học lễ, Hậu học văn”. Do đó, tập trung, nhân rộng các cách làm, giải pháp hay để “dạy người”, dạy đạo đức, lối sống cho học sinh để thực hiện đảm bảo mục tiêu cốt lõi mà ngành giáo dục hướng đến là đào tạo một thế hệ trẻ trọn vẹn cả tài, lẫn đức.

Theo CAO OANH (Báo Hậu Giang)