ĐBSCL khẩn trương ứng phó hạn, mặn

07/02/2023 - 11:44

Các cơ quan chức năng dự báo trong tháng 2, lưu lượng dòng chảy bình quân về ĐBSCL ở mức thấp nhất trong năm, làm xâm nhập mặn có thể tăng cao trong tháng này.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam (SIWRR), trong 2 tuần qua, từ ngày 26-1 đến 2-2, thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) chỉ xả nước xuống hạ lưu sông Mê Kông khoảng từ 650-904 m3/s, mức rất thấp. Nếu việc xả nước hạn chế từ thượng nguồn tiếp tục kéo dài thì khả năng mặn xâm nhập sớm và sâu từ nửa cuối tháng 2 và kéo dài sang tháng 3 ở ĐBSCL là rất cao.

SIWRR cảnh báo trong tháng này, nồng độ mặn ở vùng giữa ĐBSCL đạt 4‰, có thể xâm nhập sâu 45-60 km. Đối với vùng ven biển ĐBSCL, xâm nhập mặn vào sâu 45-60 km trong tháng 2 và có thể xâm nhập sâu 65-75 km vào tháng 3.

"Từ đầu năm đến nay, nguồn nước từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL thất thường. Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, tình hình xâm nhập mặn lớn nhất mùa khô năm nay không cao như 2015-2016 nhưng tương tự năm 2020-2021, độ mặn 4‰ có thể tiến sâu 50 km vào sông Hậu" - thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, nhận định.

Tại Bến Tre, từ ngày 2-2, mặn bắt đầu xuất hiện và lên nhanh vào kỳ triều rằm tháng Giêng và đã xâm nhập các xã như: Long Thới, Tân Thiềng, Hưng Khánh Trung B, Phú Sơn (huyện Chợ Lách)… với độ mặn cao nhất 2,8‰. "Do triều cường kết hợp với gió chướng nên đẩy mặn lên nhanh và sẽ giảm khi gió chướng yếu và triều cường rút. Dự báo đến ngày 21-2 tới, mặn sẽ lên trở lại" - ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, thông tin.

Tại Vĩnh Long, theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh này, độ mặn trên các sông chính trong tỉnh lên nhanh theo kỳ triều rằm tháng Giêng âm lịch, xấp xỉ và cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 từ 0,5‰ -4,9‰. Tại các trạm như: Cống Nàng Âm ghi nhận độ mặn 5‰, Quới An: 2,2‰, Trà Ôn 0,6‰, Tích Thiện: 2,8‰…

Trước tình hình xâm nhập mặn lên nhanh, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã và đang khẩn trương các biện pháp ứng phó. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long đã có công văn yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường theo dõi sát tình hình, đồng thời khẩn trương thực hiện việc trữ nước ngọt, vận hành công trình thủy lợi hợp lý nhằm bảo đảm trữ đủ lượng nước ngọt sử dụng trong thời gian xâm nhập mặn và cả trong mùa khô.

Tỉnh Kiên Giang yêu cầu các địa phương trong tỉnh tập trung rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó. Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương vận hành hiệu quả hệ thống cống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, ven biển An Biên - An Minh, đê bao U Minh Thượng và đê bao Ô Môn - Xà No phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Riêng vùng ven biển An Biên - An Minh và một số khu vực ở các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành… bị xâm nhập mặn cục bộ do hệ thống cống ngăn mặn chưa được xây dựng mới thì tập trung gia cố, đắp các đập thời vụ tại các khu vực có khả năng bị nhiễm mặn.

Theo Người lao động