Đóng góp quan trọng cho xuất khẩu
Sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp được trưng bày, giới thiệu tại một hoạt động triển lãm được tổ chức ở Bến Tre.
Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước có hơn 115.400ha trồng xoài, với sản lượng hơn 968.700 tấn. Thời gian qua, diện tích, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của cây xoài từng bước được nâng cao, góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Nông dân ngày càng có kinh nghiệm sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, rải vụ, dần chuyển đổi nhận thức và tăng sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất và thực hiện bao trái đã giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đồng thời, trồng đa dạng giống xoài đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, phát triển trồng xoài gắn với phát triển du lịch. Xoài trồng nhiều nhất tại vùng ĐBSCL, với hơn 49.900ha, sản lượng hơn 610.000 tấn. Tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng xoài lớn nhất tại vùng ĐBSCL, với diện tích hơn 14.000ha.
Xoài loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thuộc Bộ NN&PTNT, xoài Việt Nam đã được xuất khẩu đến 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Hiện nước ta là quốc gia xuất khẩu xoài lớn thứ 13 trên thế giới, chiếm 1% tổng xuất khẩu xoài của thế giới. Xoài Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất là sang thị trường châu Á chiếm 79,8%, kế đến là châu Âu 8%, châu Mỹ 6,8%, châu Úc 0,3%, còn lại là các thị trường khác. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam chỉ 6,5 triệu USD nhưng đến năm 2021 đã đạt mức 211,7 triệu USD, tăng hơn 30 lần. Tuy nhiên, trong năm 2022 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu xoài đã giảm về mức 89,1 triệu USD do thị trường xuất khẩu xoài lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc tăng cường kiểm dịch COVID-19 và giảm nhu cầu nhập khẩu xoài, đồng thời các biến động của tình hình địa - chính trị và kinh tế trên thế giới bị suy thoái… cũng làm giảm nhu cầu nhập khẩu xoài tại nhiều thị trường.
Phát triển bền vững ngành hàng xoài
Để "Nâng tầm vị thế" cho trái xoài Đồng Tháp và thúc đẩy nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài, vừa qua tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức chuỗi sự kiện Lễ hội xoài Đồng Tháp 2023. Lễ hội là dịp để Đồng Tháp quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm và tạo điều kiện kết nối hợp tác, thu hút các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu xoài và phát triển du lịch. Đặc biệt, thông qua nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức tại lễ hội, các bên liên quan đã cùng nhau trao đổi, đề xuất giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành hàng xoài tại tỉnh Đồng Tháp và của cả nước nói chung.
Tại hội thảo "Nâng tầm giá trị và phát triển bền vững ngành xoài" do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, ngành hàng xoài của nước ta còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển và nâng cao giá trị. Tuy nhiên, các bên liên quan trong chuỗi ngành hàng cần vào cuộc để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ nhằm chuẩn hóa sản xuất đạt theo các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng và an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Kịp thời nâng cao khả năng bảo quản, chế biến để sản phẩm có để lâu, vận chuyển đi tiêu thụ được ở xa và bán được giá tốt hơn. Bên cạnh đó, cần phát triển các mô hình trồng xoài gắn với phát triển du lịch. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, cho rằng: "Để xóa bỏ tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và manh mún, các hộ nông dân và người tham gia trong ngành xoài cần liên kết lại với nhau, hình thành các hợp tác xã, hội quán và tạo vùng nguyên liệu lớn, thuận lợi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư công nghệ bảo quản và liên kết với doanh nghiệp. Liên kết giúp giảm chi phí và bán được sản phẩm giá cao hơn, cũng như bảo vệ được thương hiệu sản phẩm, nhất là khi khắc phục được tình trạng các hộ dân mạnh ai nấy bán, cạnh tranh nhau…".
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, để nâng cao chất lượng và giá trị trái xoài, nông dân cần cố gắng loại bỏ những thói quen và lối làm việc có hại cho sản phẩm và uy tín ngành hàng. Đặc biệt, để phát triển xuất khẩu xoài, chúng ta phải thực hiện đúng theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của các thị trường xuất khẩu. Bên cạnh xuất khẩu trái tươi, cần phát triển xuất khẩu các sản phẩm chế biến bởi dư địa còn rất lớn. Các sản phẩm xoài và rau quả chế biến đang được rất nhiều thị trường ưa chuộng, kể cả ở các thị trường khó tính do sử dụng tiện lợi và kéo dài được thời gian bảo quản… Hiện tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đối với nhiều sản phẩm chế biến của rau quả và xoài đạt 20-30%, thậm chí 40%/năm.
Nước ta đã có 115.400ha xoài và chiến lược phát triển cây xoài đến năm 2030 cả nước có khoảng 130.000-140.000ha xoài theo như Đề án "Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030" đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 17-10-2022. Với định hướng như trên, Bộ NN&PTNT không có chủ trương phát triển nóng loại cây trồng này và tới đây gia tăng diện tích xoài không nhiều nữa mà tập trung nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, để phát triển hiệu quả và bền vững ngành hàng xoài, các địa phương và các bên có liên quan cần tăng cường liên kết, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thực hiện tốt các khâu bảo quản, chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương cần quan tâm rà soát, quy hoạch sản xuất tập trung, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến, xuất khẩu xoài và các sản phẩm từ xoài.
Theo Báo Cần Thơ