Cũng chẳng phải ngẫu nhiên, trong chưa đầy một tháng chúng ta đã tổ chức 2 đoàn khảo sát lớn với tính chất hoàn toàn khác biệt, nhưng có cùng chung mục đích là đánh giá tiềm năng du lịch Vũng Liêm. Ý kiến phản hồi và chấm điểm cụ thể của cả 2 đoàn chuyên môn là rất cao.
Đoàn đến thăm khu nhà ở thân sinh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Những bước chuẩn bị thận trọng cần thiết
Đầu tiên là đoàn famtrip thuần túy chuyên môn du lịch, họ là những nhà quản lý trực tiếp, những nhà điều hành tour và tham gia xây dựng sản phẩm du lịch; nên ý kiến của họ mang tính quyết định.
Đối với những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, thì chỉ cần chuyến khảo sát đầu tiên sẽ có được ý kiến là được hay không; còn định hướng phát triển như thế nào, hình thành những gói tour ra sao, thì đó là tiếp tục và liên tục thời gian dài, kể cả sau khi đã đi vào khai thác sản phẩm.
Riêng đối với Vũng Liêm, chúng ta cần nhìn nhận đây không chỉ đơn giản là hình thành xây dựng một điểm du lịch hay một khu du lịch, mà đây là một không gian văn hóa với chiều sâu lịch sử xa xưa và xuyên suốt qua các thời kỳ hình thành nên một vùng đất đặc biệt, đã để lại một gia tài di sản lớn cho địa phương.
Những nhân vật kiệt xuất của lịch sử nước nhà cùng những sự kiện đặc biệt và dày đặc những di chỉ của sự giao thoa các nền văn hóa, giao thoa các cộng đồng dân cư… cùng hiện diện trên một không gian không rộng lớn lắm.
Và nhiều lý do khác nữa, nên để đưa du lịch về đây, chúng ta cần phải xem là “một bài toán tổng hợp”, không chỉ là câu chuyện du lịch; không khéo câu chuyện kinh tế sẽ khai thác một cách sơ sài và phá vỡ không gian văn hóa, lịch sử và ảnh hưởng xáo trộn đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, những làng nghề truyền thống của địa phương cùng nhiều vấn đề về tài nguyên môi trường...
Do đó, cuộc khảo sát thứ 2 do huyện Vũng Liêm tổ chức cho đoàn các chuyên gia đa ngành, những nhà nghiên cứu văn hóa, môi trường, kinh tế, xã hội… từ các trường ĐH, do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch (TP Hồ Chí Minh) chủ động phối hợp là vô cùng quan trọng.
Một bước đi có tâm và có tầm của lãnh đạo địa phương. Tuy nhiên, chỉ mới bước đầu tìm hiểu, có người mới lần đầu đến Vũng Liêm và quy mô chỉ là một cuộc tọa đàm nhỏ, chúng ta không thể ghi nhận những vấn đề đi vào chiều sâu, mà chỉ là những nhận định, cảm xúc ban đầu của các chuyên gia. Nhưng cách làm, tổ chức những bước đi như thế là vô cùng cần thiết.
Tại cuộc tọa đàm sau 2 ngày tham quan, trải nghiệm, chúng tôi ghi nhận một số vấn đề bổ ích, cần thiết cho kế hoạch lâu dài khai vỡ tiềm năng du lịch của Vũng Liêm.
Những ghi nhận ban đầu
TS. Tạ Duy Linh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, cho biết: Du lịch là một chuyên ngành nhưng nó liên quan đến rất nhiều lĩnh vực trong xã hội.
Do đó, chúng tôi đặt vấn đề ban đầu là đánh giá tiềm năng du lịch Vũng Liêm từ nhiều góc độ. Buổi tọa đàm có tiêu đề “Phát triển tiềm năng du lịch Vũng Liêm dưới góc nhìn đa ngành” là vì lẽ đó.
Đoàn đến thăm khu mộ thân nhân danh Thần Thoại Ngọc Hầu.
Người đến từ không gian văn hóa Bắc Bộ và cũng là lần đầu tiên đến với vùng đất Vũng Liêm, GS. Phạm Thị Thu Yến đã bày tỏ cảm xúc trọn vẹn của một du khách thật sự khi… thấy cái gì cũng lạ, cái gì cũng thích, từ vườn cây, dòng sông, giọng cười của bà con cù lao, đến những món ăn tưởng chừng đơn giản của xứ này cũng làm cho bà đặc biệt ấn tượng.
Những cánh đồng lác và làng nghề là “chất liệu” quý để khai thác du lịch theo cách dẫn dắt từ lịch sử ban đầu đến hiện tại, làng nghề vẫn hoạt động phát triển tốt nên vô cùng hấp dẫn.
Theo GS. Phạm Thị Thu Yến, chúng ta không thể đem so sánh những khung cảnh hùng vĩ của ruộng bậc thang Tây Bắc với cảnh quan êm đềm sông nước đồng bằng, mỗi vùng đất có vẻ đẹp hấp dẫn riêng cho nên người ta mới du lịch, vấn đề là chúng ta hiểu sâu sắc và biết cách tôn vinh những giá trị văn hóa đặc thù của địa phương mình.
TS. Trương Thu Trang, đến từ Trường ĐH Bạc Liêu, góp ý một cách cụ thể việc quảng bá xây dựng hình ảnh địa phương, thông qua tỉnh Bạc Liêu của mình, điển hình chỉ cần một bài hát, một nhân vật, Bạc Liêu đã thu hút rất nhiều du khách đến đây, như cuộc hành hương trở về với vùng đất đặc biệt của đờn ca tài tử Nam Bộ.
Ở góc độ tài nguyên môi trường, Ths. Lê Nguyễn đánh giá rất cao hệ sinh thái sông nước, cù lao ở đây; đặc biệt giá trị cổ thụ từ những hàng cây, những cây rất lâu đời có trong khuôn viên chùa Hạnh Phúc Tăng, mà dưới góc nhìn của nhà môi trường chúng ta cần nhiều công tác vừa bảo tồn, vừa tôn vinh giá trị di sản, bên cạnh đó xây dựng những câu chuyện làm cho “đời cây” trở thành những người “kể chuyện” thú vị.
Chúng tôi đặc biệt quan tâm, những phát biểu ngắn gọn nhưng “đánh động” vấn đề quan trọng của TS. Đặng Hoàng Lan, chuyên gia về di tích, cổ vật.
TS. Lan đánh giá rất cao tầm quan trọng những di tích hiện tồn trên vùng đất Vũng Liêm, tuy nhiên thiếu sót của chúng ta là đã không gìn giữ được những nguyên bản gốc, nên không đủ cơ sở để có thể trình hồ sơ công nhận di tích cấp quốc gia. Đó chính là quần thể khu mộ thân nhân danh Thần Thoại Ngọc Hầu ở cù lao Dài.
Đặc biệt, cù lao Dài còn mang nhiều giá trị lịch sử làng nghề, cùng hệ thống đình thần đậm dấu ấn của buổi đầu những cư dân Việt vào đây khai mở vùng đất mới.
Trong đó, TS. Đặng Hoàng Lan đặc biệt lưu ý việc tôn tạo di tích một ngôi đình cổ trên cù lao Dài đã có sai sót làm mất đi nguyên bản gốc.
Đây là vấn đề mà chúng tôi cũng đang hoang mang khi chứng kiến việc tôn tạo khu mộ thân nhân danh Thần Thoại Ngọc Hầu. Vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu một cách cặn kẽ hơn ở đề tài riêng biệt về cù lao Dài.
Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến quý báu, góp ý chân tình của các chuyên gia; đây là việc cần thiết trong quá trình định hướng khai phá tiềm năng du lịch của Vũng Liêm.
Như ý kiến của TS. Tạ Duy Linh, tất cả đều nhận định tiềm năng du lịch Vũng Liêm là rất lớn; nhưng không chỉ khen tặng mà nên giúp địa phương chỉ ra những điều cần lưu ý, với góc nhìn đa chiều từ nhiều lĩnh vực để địa phương có cái nhìn tổng thể, sâu sắc nhất những giá trị của di sản và tài nguyên khi đưa vào khai thác du lịch một cách hiệu quả nhất, bền vững nhất.
Theo NGỌC TRẢNG (Báo Vĩnh Long)