Hướng đến nền kinh tế nông nghiệp

22/04/2025 - 09:56

Được xem là “trụ đỡ”, là động lực tăng trưởng chính của tỉnh, để tiếp tục phát huy vai trò, thế mạnh của mình, ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đã và đang thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp tái cơ cấu, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao... Qua đó từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Nông dân vùng chuyển đổi huyện Hồng Dân trúng vụ tôm càng xanh nuôi xen canh trong ruộng lúa. Ảnh: C.L

Những kết quả ấn tượng

Nếu như năm 2020, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt mức 3,9%, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt 4,08% (xếp thứ 2/13 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long), thì đến cuối năm 2024 đã tăng lên 7,01% - mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Tổng sản lượng thủy sản đạt 554.726 tấn, trong đó tôm đạt 313.344 tấn, cá và thủy sản khác đạt 241.382 tấn, vượt 100,22% kế hoạch và tăng 9,37% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, việc tổ chức liên kết chuỗi sản xuất - kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn. Toàn tỉnh đã có 160 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 và 4 sao. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã có thể “lấn sân” xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, đánh dấu cột mốc mới trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đã thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới tổ hợp tác, hợp tác xã, lấy đó làm “hạt nhân” để từng bước định hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, truyền đạt và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, giúp giải phóng sức lao động cho nông dân. Đồng thời, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, đẹp về hình thức, bao bì…, giúp nâng cao giá trị cũng như thu nhập cho nông dân.

Ông Huỳnh Trung Thủ - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) 8/3 (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long), cho biết: “Không chỉ giúp xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra mà ngành Nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở cũng rất chú trọng đến việc hỗ trợ nông dân, HTX trong việc xây ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Qua đó, giúp nông sản đạt năng suất cao, đầu ra ổn định, không còn bấp bênh như trước và thu nhập của người trồng rau cũng nhờ đó tăng lên đáng kể”.

Thay đổi tư duy để nông nghiệp phát triển

Người dân hiện đã nhạy bén hơn với kinh tế thị trường, thay đổi tư duy sản xuất, chú trọng đến nhu cầu thị trường tiêu thụ. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với quy mô diện tích ngày càng lớn. Minh chứng rõ nhất chính là việc nông dân sản xuất lúa gạo theo đơn đặt hàng, có địa chỉ tiêu thụ cụ thể. Tuy tính liên kết này đôi lúc thiếu tính bền vững do tác động của thời tiết, giá cả thị trường, nhưng nhìn chung đây vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng, giúp nông dân yên tâm trong sản xuất cũng như giảm bớt gánh nặng chi phí khi bắt tay vào vụ mới.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái kết hợp với sản xuất nông nghiệp những năm gần đây cũng đã phát triển khá nhiều. Trong số đó có thể kể đến mô hình sản xuất gạo hữu cơ kết hợp với làm du lịch sinh thái của HTX The Rice Farm Bạc Liêu; HTX nuôi nghêu Đồng Tiến… Các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hữu cơ, công nghệ cao kết hợp với du lịch thu hút đông đảo du khách tham quan, mua sắm các sản phẩm nông nghiệp. Qua các mô hình cho thấy nông dân đã gắn kết các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương với du lịch, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Song song với xu hướng phát triển đa giá trị cho nghề nông, ngành Nông nghiệp tỉnh còn định hướng cho các địa phương xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và phải gắn với thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng “được mùa mất giá” hoặc không có nơi tiêu thụ. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp cùng với các địa phương tập trung tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; sử dụng hiệu quả bản đồ nông hóa thổ nhưỡng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Lấy doanh nghiệp, HTX làm trung tâm của sự thay đổi tư duy sản xuất, từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp dựa trên cơ sở tiếp cận thị trường, sản xuất hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp khuyến khích các tổ chức, cá nhân chú trọng chất lượng, mẫu mã nông sản để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao năng lực dự báo thị trường làm cơ sở định hướng cho người dân phát triển sản xuất.

Theo Báo Bạc Liêu