Các diễn viên, ca sĩ tập luyện trong ngày cuối trước khi lên đường tham dự Hội diễn Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông lần thứ XVIII năm 2022.
Đậm dấu ấn
Hội diễn sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 21-6, do tỉnh Bến Tre đăng cai tổ chức, có sự tham gia của 14 đoàn nghệ thuật đến từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và Trường Đại học Cần Thơ.
Với chủ đề “Điểm hẹn 9 dòng sông”, các đơn vị phải đảm bảo xây dựng mỗi chương trình dự thi không quá 35 phút, với đa dạng thể loại, bám sát chủ đề, tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước; kết cấu chương trình hài hòa, có ít nhất hai loại hình nghệ thuật, trong số các loại hình: tân nhạc, cổ nhạc (đơn, song, tốp ca, ca múa, hợp xướng, trình diễn nhạc cụ, độc tấu…), múa (múa đơn, đôi, tốp múa).
Là sân chơi thường niên, đã ghi đậm dấu ấn với những người làm nghệ thuật biểu diễn trong khu vực nhiều năm, nên hội diễn được các tỉnh, thành đầu tư bài bản, huy động toàn lực đội ngũ ca sĩ, diễn viên để xây dựng những chương trình nghệ thuật đặc sắc, đa dạng thể loại, bám sát chủ đề, tạo nên những điểm nhấn nghệ thuật thú vị. Qua mỗi lần tổ chức, là mỗi lần những nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, nhạc công… được gặp gỡ giao lưu, phát triển chuyên môn trong biên tập, dàn dựng và biểu diễn. Từ đó, góp phần định hướng cho hoạt động văn hóa - nghệ thuật của mỗi địa phương; đồng thời, bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa đặc sắc trong khu vực.
Sự kiện lần này được kỳ vọng sẽ thổi một luồng gió mới, mang đến khán giả những chương trình đặc sắc, có đầu tư của các tỉnh, thành trong khu vực Tây Nam bộ. Sự kiện này còn nằm trong chuỗi hoạt động tuyên truyền hưởng ứng 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, nên trong mỗi phần thi của các đơn vị, Ban tổ chức khuyến khích có một tiết mục về danh nhân, về nét độc đáo của văn hóa dân tộc…
Đây còn là dịp để giới thiệu những nét sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của người dân vùng sông nước, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh con người, văn hóa của Bến Tre nói riêng và các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL nói chung.
Hậu Giang đã sẵn sàng
Triển khai tập luyện tích cực trong hơn nửa tháng nay, hơn 30 diễn viên, nhạc công của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh cùng đội ngũ cộng tác viên ưu tú được tuyển chọn từ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Ông Lê Hoàng Chung, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, cho biết: Thế mạnh trong chương trình nghệ thuật mà Hậu Giang xây dựng để tham gia hội diễn lần này rất đa dạng về thể loại. Nội dung ca ngợi nét văn hóa vùng sông nước rất riêng cùng sự đổi thay của quê hương Hậu Giang và khát vọng vươn lên là điểm nhấn, xen lẫn với những vẻ đẹp nên thơ của ĐBSCL, sự bứt phá vươn lên của vùng đất Chín Rồng. Chương trình còn có một bài tân cổ, là một sáng tác mới, ca ngợi quê hương Cụ Đồ.
Chương trình của Hậu Giang gồm 5 tiết mục, với đầy đủ các thể loại ca, múa, với sự tham gia của các ca sĩ, diễn viên được huy động toàn lực, trưởng thành từ phong trào văn nghệ ở cơ sở. Biên đạo múa Nhật Danh, đảm trách phần dàn dựng chương trình, chia sẻ: “Các em không chuyên, trình độ lại chênh lệch nhau, nên việc tập luyện khá mất thời gian. Thế nhưng, tôi rất thích ở mỗi cá nhân là sự nhiệt huyết, hết mình, quyết tâm thực hiện cho bằng được, dù động tác khó, bài hát có nhiều điểm nhấn nhá, rất khó thể hiện. Sự nhiệt thành, hết lòng của các em, càng giúp tôi thêm hưng phấn, thỏa thích sáng tạo để cùng hoàn thiện một chương trình hoàn hảo nhất có thể”…
Ở sân chơi khu vực này trong những năm qua, Hậu Giang đã tạo cho mình một sức hút riêng bằng chương trình nghệ thuật với sự đầu tư vừa phải, có điểm nhấn và đặc biệt là dấu ấn về một dàn nhạc sống hơn 5 thành viên cùng đồng hành trên sân khấu với các diễn viên, ca sĩ. Điều này đã mang một nét rất riêng và tiếp tục sẽ mang đến hội diễn năm nay một chương trình gọn gàng, gói ghém vào đó nhiều niềm tin, kỳ vọng!
Theo Báo Hậu Giang