Điểm sáng OCOP khu vực đồng bằng sông Cửu Long

20/04/2022 - 10:03

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, từng bước đưa sản phẩm đặc sản của mỗi địa phương lên tầm quốc gia và quốc tế. Tại tỉnh, chương trình này được khởi động từ tháng 6-2019. Đến nay, hiệu quả bước đầu đã giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, thông qua phát triển hơn 130 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên

A A

Sản phẩm OCOP của Bến Tre đề cao tiêu chuẩn sản xuất sạch, an toàn. Ảnh: Thạch Thảo

Xếp thứ 3 khu vực

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (có tên tiếng Anh là One Commune One Product, gọi tắt là Chương trình OCOP), do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1048, ngày 21-8-2019. Bến Tre là 1 trong 12 tỉnh chỉ đạo điểm của Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020. Năm 2019, tỉnh đã đăng cai tổ chức Hội chợ Nông nghiệp và Sản phẩm OCOP khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP của Chính phủ, đến nay, tỉnh đã tổ chức đánh giá và xếp hạng được 131 sản phẩm OCOP của 54 chủ thể. Cụ thể, có 66 sản phẩm đạt 3 sao và 65 sản phẩm đạt 4 sao. Đặc biệt, trong số sản phẩm đạt 4 sao, có 16 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Trung ương xem xét đánh giá.

Trong 13 tỉnh khu vực ĐBSCL, Bến Tre hiện đứng ở vị trí thứ 3 về số lượng sản phẩm OCOP. Đứng đầu là tỉnh Đồng Tháp, với 265 sản phẩm OCOP. Thứ 2 là tỉnh Sóc Trăng, với 144 sản phẩm.

Sản phẩm OCOP của Bến Tre chủ yếu thuộc ngành thực phẩm và thảo dược. Có thể điểm qua một số sản phẩm OCOP nổi bật của Bến Tre hiện nay như: Mặt nạ dưỡng da từ nước dừa của Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long; Kẹo dừa sầu riêng và kẹo dừa béo nguyên chất của Công ty TNHH sản xuất, kinh doanh tổng hợp Đông Á; Kẹo sữa dừa nguyên chất Yến Hoàng và bánh hoa dừa Tiến Đạt của Công ty TNHH Vĩnh Tiến; Sầu riêng và trái sầu riêng cấp đông của Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu; Nước cốt dừa, nước cốt dừa đậm đặc và Creamer dừa béo đặc của Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre...

Chương trình OCOP không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống của Bến Tre, mà còn giúp tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn. Chương trình OCOP bước đầu đã trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

Giá trị đóng góp của OCOP

Năm 2020, dịch Covid-19 xảy ra khiến cho hoạt động nhiều doanh nghiệp (DN) phải chững lại, hàng loạt nguyên liệu tồn đọng làm DN và nông dân tỉnh đứng ngồi không yên. Thế nhưng, việc tham gia chứng nhận sản phẩm OCOP đã giúp nhiều DN trụ lại nhờ thị trường nội địa tin dùng sản phẩm OCOP.

Người tiêu dùng ưu chuộng sản phẩm OCOP. Ảnh: Thạch Thảo

Người tiêu dùng ưu chuộng sản phẩm OCOP. Ảnh: Thạch Thảo

Tại huyện Mỏ Cày Nam, Giám đốc Công ty TNHH Funny Fruit Huỳnh Minh Thành chia sẻ: “Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, DN của chúng tôi mỗi tháng xuất khẩu khoảng 100 tấn dừa sấy giòn. Khi dịch xảy ra, việc xuất khẩu của công ty gần như đứng lại. Nhờ tham gia sản phẩm OCOP, năm 2020, sản phẩm của công ty chỉ bán nội địa cũng đã tiêu thụ được khoảng 80 tấn dừa sấy giòn”. Kết quả cho thấy, chỉ riêng Công ty TNHH Funny Fruit - một DN trẻ đã giúp huyện Mỏ Cày Nam tiêu thụ 1 ngàn tấn dừa nguyên liệu. Trong đó, có khoảng 200 - 300 tấn dừa nguyên liệu là được tuyển chọn để làm dừa sấy giòn, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại thị trấn Mỏ Cày.

Đánh giá những thành tựu quan trọng mà chương trình OCOP đã đạt được từ năm 2019 đến nay tại tỉnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết: Chương trình OCOP đã được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phối hợp thực hiện của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương. Tỉnh đã hình thành được những sản phẩm đặc trưng xứ Dừa như: sử dụng nguyên liệu, nhân lực tại địa phương, sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương và nhất là mang lại lợi ích cho cộng đồng ở địa phương đó.

Cũng theo ông Huỳnh Quang Đức, những sản phẩm đặc trưng của OCOP Bến Tre được xem là những mô hình sản xuất tốt, cần được hoàn thiện và khuyến khích nhân rộng. Hiện các sản phẩm OCOP của Bến Tre đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm OCOP cùng loại trong khu vực ĐBSCL nhờ phát huy những giá trị tinh hoa, thế mạnh của địa phương. Các chủ thể OCOP luôn hoàn thiện, đổi mới sản phẩm, áp dụng theo những tiêu chuẩn chất lượng như: HACCP, VietGAP, GlobalGAP, ISO, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý…

Định hướng đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có ít nhất 160 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên và 15 sản phẩm đạt 5 sao theo bộ tiêu chí Trung ương ban hành. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi thế cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị. Tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Riêng năm 2022, tỉnh đề ra mục tiêu mỗi huyện, thành phố phát triển ít nhất 5 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao được UBND tỉnh công nhận và trình Trung ương tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Theo Báo Đồng Khởi