Diện tích vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen tăng nhanh ở tỉnh Bến Tre

24/06/2021 - 10:32

Từ tháng 7-2020 đến nay, diện tích vườn tại tỉnh Bến Tre bị sâu đầu đen gây hại đã liên tục tăng, với diện tích ban đầu chỉ một vài héc-ta thì đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có hàng trăm héc-ta dừa bị nhiễm sâu đầu đen.

A A

Sâu đầu đen rất nguy hiểm, chúng tấn công các lá già phía dưới trước, sau đó đến các tàu lá phía trên và làm cho dừa bị chết. Trong ảnh: Cây dừa bị sâu đầu đen gây hại.

Sâu đầu đen có tên khoa học Opisina arenosella Walker. Sự gây hại của loài sâu này được ghi nhận đầu tiên ở Sri Lanka và Ấn Ðộ vào năm 1920. Những năm trước, sâu đầu đen cũng đã từng xuất hiện ở tỉnh Bến Tre, nhưng với mật độ rất thấp, gây hại không đáng kể. Tuy nhiên, từ tháng 7-2020, tại huyện Bình Ðại thuộc tỉnh Bến Tre đã có khoảng 2,4ha vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen. Ðến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh ghi nhận có hơn 547,4ha tại các huyện: Bình Ðại, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách và TP Bến Tre bị nhiễm sâu đầu đen. Trong đó, có hơn 122ha bị nhiễm nặng, hơn 204ha bị nhiễm trung bình, còn lại là nhiễm nhẹ.

Bến Tre là địa phương trồng dừa nhiều nhất cả nước, với tổng diện tích trồng dừa hiện đạt hơn 72.770ha, sản lượng khoảng 630 triệu trái/năm. Ðể phòng trị sâu đầu đen, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã phối hợp các địa phương và đơn vị liên quan tổ chức ra quân phòng trừ sâu đầu đen theo hướng cộng đồng, đồng loạt. Áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp để phòng trừ sâu như: tiêu hủy những tàu lá bị sâu gây hại và đốn hạ những cây dừa không có khả năng phục hồi; thực hiện các biện pháp chăm sóc cây để nâng cao khả năng chống và phun thuốc trừ sâu… Ngành chức năng tỉnh cũng chủ động phối hợp với các viện, trường để cứu, phát triển sinh sản ong ký sinh và các loài thiên địch của sâu đầu đen để thả vào tự nhiên nhằm khống chế sự phát triển của sâu đầu đen đảm bảo hiệu quả lâu dài và ít tốn chi phí.

Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)