Đọc lại những vần thơ dành tặng Đội nữ pháo binh Long An anh hùng: "Các em đi"

05/12/2022 - 16:28

Năm 1966, ở tuổi 25, Nguyễn Chí Hiếu - người con của vùng đất Cần Đước (Long An) đã được đào tạo bài bản tại ĐH Mỹ thuật Hà Nội, vui mừng nhận lệnh về miền Nam chiến đấu.

A A

Các nữ pháo thủ của Đội nữ pháo binh Long An anh hùng.Ảnh: Tư liệu

Bên cạnh những hình ảnh hào hùng của cuộc chiến đấu đang diễn ra trên quê hương những ngày ấy được diễn đạt bằng những nét cọ nóng hôi hổi anh còn âm thầm làm thơ.

Và thơ lại cứ bùng dậy trong anh theo âm vang của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong mùa Xuân Mậu Thân 1968.

Và bài thơ “Các em đi” mà Nguyễn Chí Hiếu dành tặng các nữ pháo thủ trong Đội nữ pháo binh Long An anh hùng đã ra đời trong hoàn cảnh như thế.

Đó là những câu thơ rất thật như nét vẽ, bứt khỏi ranh giới dài ngắn, khuôn thước vần điệu, đã mở được biên độ cảm xúc tràn trề cho thơ của chàng họa sĩ tài hoa…

Chẳng phải xuất thân là con nhà nòi nên Nguyễn Chí Hiếu mới có những cảm nhận sâu thẳm về cuộc kháng chiến thần thánh ngày ấy của cả dân tộc, nhất là sự chiến đấu và hy sinh của các nữ chiến binh, của các bà mẹ, của các người vợ ở hậu phương?

Trước khi cảm nhận những xúc cảm về các nữ chiến binh trong bài thơ “Các em đi”, hãy nghe lời thơ anh kể một chuyện rất thật mà rất thơ: Cha đột ngột trở về gõ cửa nhà mình sau bao tháng biền biệt kháng chiến.

Sống chiến đấu ở một vùng “xôi đậu” giữa ta và địch, đã từng nhiều lần nghe tiếng gõ cửa trong đêm, nhưng những tiếng gõ cửa đêm đó của chồng như âm vang từ một mối liên hệ huyền hoặc kỳ lạ khiến người vợ chẳng bao giờ lầm: “Đêm ấy, khi bọn biệt kích núp bụi bờ vừa quay lưng đi khỏi thì đột ngột cha về / Tiếng gõ cửa của cha như vọng lại từ một giấc mơ / (…) / Như dội lại từ núi non, ruộng đồng, sông rạch / Nhưng đêm ấy là đêm có thật / Mẹ nhận ra tiếng gõ cửa của cha trong tiếng cuốc miệt đồng và ầm ào trận gió qua sông”.

Từng sống chiến đấu bên nhau cùng một chiến hào, cùng một lý tưởng đấu tranh, xa nhau là nhớ, cuộc đấu tranh càng cam go đâu chỉ có càng nhớ nhau nhiều hơn, vì vậy “Mẹ nhận ra tiếng gõ cửa của cha”? 

Khi các nàng thơ nhớ nhau, nhà thơ thường hay mượn vầng trăng huyền dịu để gửi gắm những tâm tình, có lẽ vì cùng lúc nhiều người đều có thể nhìn chung mỗi một vầng trăng với những nỗi niềm giống nhau?

Không quá dai dẳng thiết tha như nỗi nhớ chồng phải đi chiến đấu cho các lợi ích của các tầng lớp phong kiến của người chinh phụ ngày xưa trong tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi / Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” hay da diết hơn “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi / Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi”, mà nỗi nhớ trong tình quân dân dành cho các chiến binh hay của các chiến binh với nhau, đặc biệt là các nữ chiến binh trong cuộc kháng chiến vừa qua lại rất nhẹ nhàng nhưng đầy trách nhiệm với quê hương.

Vầng trăng trong một bài thơ của nhà thơ Khuất Quang Thụy viết tặng Đội nữ pháo binh Quảng Trị thì “Đêm hò hẹn là những đêm pháo kích / Trăng hạ tuần soi nòng pháo nghiêng nghiêng”.

 Và đâu chỉ có vầng trăng, trong bài thơ “Các em đi” của Nguyễn Chí Hiếu viết tặng Đội nữ pháo binh Long An anh hùng có cả đất trời quê hương: “Các em đi / Nòng pháo in ráng chiều cháy đỏ / Xóm dưới làng trên / Các má các ba tần ngần trước ngõ / đứng ngó hoài theo bước em đi / Ôi những em gái quê hương / mang nụ cười và những đêm hội mừng công ra trận”.

 Và nỗi nhớ thương thì luôn hiển hiện “Thiếu các em / đêm nay / quê mình vắng lặng / thao thức đợi chờ tiếng pháo tiến công / như đợi phút giao thừa pháo nổ mừng Xuân”.

Không dừng ở những khoắc khoải đợi chờ, bài thơ bùng lên một niềm vui rất thật cho xóm làng có được từ lúc “Các em đi” vào chiến trường trên vành đai diệt Mỹ trên mảnh đất Long An anh hùng: “Từ sâu thẳm đêm đen / Một góc trời bừng chớp lửa / Các má các ba mở toang cánh cửa / Cả quê hương choàng dậy để xuống đường / Nghe tiếng pháo gầm / Rơi giọt giọt mưa sương / Từ những chiếc lá dừa bén ngời sắc gươm đồng khởi / Đồn giặc cháy rồi / Dòng sông quê hương truyền đi vang dội / tiếng pháo giao thừa mở hội mừng Xuân / Thôn xóm lên đèn/ Trò chuyện râm ran”.

 Mỗi lần như thế ở các xóm nhỏ, các ba, các bà mẹ quê có thói quen chuẩn bị sẵn những bữa ăn đêm đỡ lòng dành đón các chiến sĩ về sau giờ ra trận chẳng khác gì đón những đứa con ruột rà của mình: “Bếp lửa reo cười vờn vách lá / Các má các ba thức đợi em về / Ấm nước reo mấy lần / Nồi cháo lươn nóng hổi / Nghe lá biếc lao xao từng cơn gió thổi / Cũng hé cửa ngóng nhìn / Từng bước chân em…”.

Mong thế, náo nức thế, nhưng “Từ ấy các em đi / Chiến trường xa vui chiến đấu mãi chưa về / Và những chân trời đêm đêm chớp lửa / Quê hương nhắc tên em từng ngày từng bữa”. 

Đến đây, thơ Nguyễn Chí Hiếu lại cho phép mình vượt lằn ranh thường tình khi so sánh về nỗi nhớ các em của xóm làng bằng những món quà quê mà các má, các ba để dành riêng cho các đứa con gái pháo thủ thân yêu của mình.

Ai cũng nhớ các món khế chua, me dốt đứa con gái nào chẳng thích, đó là quà quê bình dị thân thương mà các má các ba để dành cho các em, thế mà “Khế chín gọi chim về / Me dốt rụng đầy sân”. 

Khế chua để dành lâu trên cây đến “chín” chim về ăn vẫn chưa dám đụng đến và me dốt rồi cũng thế, chín “rụng đầy sân”. Ôi, những tấm lòng đâu thể cân đong…

Đến đây, bài thơ của Nguyễn Chí Hiếu đưa người đọc về với thực tại của xóm làng mà các em phải đi chiến đấu để góp phần bảo vệ: “Đêm bầu cử hội đồng nhân dân / trống giục bước chân / đường thôn náo nức / điệu hát câu hò gợi nhớ chiến trường xa / Thương các em / cả quê mình / các má, các ba / chung sức lại / lấp hố bom -, cấy thêm hàng lúa / sửa lại chiến hào / đào thêm nhiều hầm chông tua tủa / Quyết giữ lấy đất này - nơi sinh trưởng của các em”.

Và cuối bài thơ tác giả cũng gửi vào “Các em đi” những tâm tình: “Đêm nay lại nghe tiếng pháo gầm vang phía trời xa lắc / sao bồi hồi thương nhớ quá các em ơi / Ôi có phải gió nổi bốn nghìn năm / góp về một mùa Xuân bão táp / đã đưa các em đi / làm ánh chớp giữa trời”.

Theo HỒNG VÂN  (Báo Vĩnh Long)