Đôi nét về việc dạy - học của nhà giáo Nguyễn Ðình Chiểu và học trò

01/07/2022 - 15:47

Cuộc đời Danh nhân Nguyễn Ðình Chiểu có nhiều bất hạnh nhưng cụ đều vượt qua tất cả. Cụ đã hòa cuộc sống riêng tư vào cuộc sống chung của đồng bào. Làm thầy giáo với mục đích đào tạo con người, chăm lo, bồi đắp tinh thần Nho học, giữ gìn phong hóa của dân tộc. Làm thầy thuốc với mục đích lo cứu chữa cái đau khổ về thể xác của con người. Làm thơ văn để thay người, thay đời nói lên tâm tư, tình cảm của đồng bào, qua đó khích lệ, bồi đắp tinh thần yêu nước, thúc giục hương nghĩa binh, các tầng lớp nhân dân tiến lên giết giặc bằng hào khí Ðồng Nai hừng hực.

Nền nhà cũ cũng là trường dạy học của cụ Đồ Chiểu trong thời gian ở Ba Tri. Ảnh: Nguyễn Sự

Đào tạo các thế hệ môn sinh nhập thế tích cực

Nói về việc học những năm giữa thế kỷ thứ XIX, thông thường, một học trò học từ khi vỡ lòng cho đến khi tham gia kỳ thi Hương mất khoảng 10 năm. Trong khi đó, thời gian cụ Đồ Chiểu mở trường (1851) cho đến thời điểm đầu năm 1959, thực dân Pháp xâm lược Sài Gòn - Gia Định chỉ khoảng 8 năm. Cũng từ đây, Sài Gòn - Gia Định không thể mở một kỳ thi Hương nào nữa. Do vậy, các học trò theo học Nguyễn Đình Chiểu đành phải dang dở việc học hành và cũng trong năm này, thầy Đồ Chiểu cùng gia quyến “chạy giặc” về Thanh Ba (Cần Giuộc). Ở Cần Giuộc từ năm 1859 cho đến khi rời khỏi nơi đây (năm 1862), cụ tiếp tục dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân nhưng cũng chỉ được 3 năm.

Thời gian cụ Nguyễn Đình Chiểu tị địa về Bến Tre sinh sống cho đến cuối đời, kéo dài đến 26 năm (1862 - 1888). Ngần ấy năm đủ cho cụ đào tạo nhiều thế hệ môn sinh từ học vỡ lòng cho đến khi tham gia các kỳ của triều đình. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, từ năm 1864 trở đi, ở Nam Kỳ không tổ chức một kỳ thi Hương nào nữa. Do vậy, trong tổng số 31 người quê Bến Tre thi đỗ học vị cử nhân, tiến sĩ dưới triều Nguyễn tính đến kỳ thi cuối cùng vào năm 1864, không có ai là học trò của cụ Nguyễn Đình Chiểu là điều hiển nhiên. Nhưng điều đó không quan trọng khi cụ đã đào tạo được các thế hệ môn sinh ưu tú, nhập thế tích cực và quan trọng là biết nối chí, nối nghiệp thầy. Họ hầu hết trở thành những người dân, sĩ phu sống có ích cho đời và tuyệt nhiên, không hợp tác, không làm việc cho tân trào theo gương của cụ.

Về việc dạy và phương pháp dạy học của cụ có thể chia làm 2 giai đoạn cơ bản. Giai đoạn thứ nhất là từ năm 1851 đến đầu tháng 6-1867 (thời điểm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ chưa rơi vào tay Pháp), cụ dạy học với mục tiêu vừa giúp môn sinh hiểu đạo lý ở đời theo tinh thần Nho học, vừa nhắm tới mục tiêu tham gia các kỳ thi do triều đình tổ chức. Giai đoạn thứ hai là từ cuối tháng 6-1867 cho đến cuối đời (3-7-1888), mục tiêu và phương pháp dạy học của cụ nhằm dạy cho môn sinh hiểu đạo lý ở đời theo tinh thần Nho học và chọn cho mình hướng đi trước những đổi thay của thời cuộc.

Là học trò thuộc thế hệ thứ ba và chịu ảnh hưởng từ phương pháp dạy học của người thầy lớn đất Nam Bộ - Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu dễ dàng vận dụng phương pháp dạy và học “tri ngôn”, “dưỡng khí”, đồng thời lấy bản thân người thầy làm gương cho môn sinh. Cụ coi trọng thực học, học để thực hành và dùng thực hành để kiểm chứng thành quả học tập. Theo bà Mai Huỳnh Hoa (1910 - 1987): “Học trò ước có hai trăm người, ngồi ra 2 hàng tả hữu, nghe giảng. Tiên sinh mắt đã mù, không còn xem sách được, nhưng mỗi bữa hỏi học trò học tới đoạn nào, thì tiên sinh giảng đoạn ấy, như ngó thấy sách, vì tiên sinh thuộc lòng các sách”.

Cụ đề cao Nho giáo về đạo đức trung, hiếu, tiết, nghĩa, coi đó là con đường lập thân để “phò vua, giúp nước, sửa đời, dạy dân”, đồng thời lấy bản thân làm thị phạm, cự tuyệt mọi sự mua chuộc của tên Chánh tham biện Bến Tre Michel Ponchon, không qua lại với bọn phản dân, hại nước, ươn hèn làm việc cho tân trào, nhưng lại rất ca ngợi anh hùng nghĩa sĩ hy sinh vì nước, sáng tác thơ điếu, văn tế và tổ chức lễ tế những linh hồn hy sinh vì nước… Với nhân dân thì cụ hết lòng, sống gắn bó và thủy chung.

“Văn dĩ tải đạo”

Song song với việc dạy học trực tiếp, cụ Đồ Chiểu sáng tác văn chương với mục đích “văn dĩ tải đạo”, văn tức là người và dùng văn chương để chuyển tải đạo lý, dùng văn chở đạo để hành đạo và làm rạng danh “Hào khí Đồng Nai” - dũng khí của kẻ sĩ Nam Bộ được các thế hệ trước đó hun đúc, trao truyền. Với truyện thơ nôm Lục Vân Tiên, cụ dựa vào nền tảng văn hóa, luân lý đạo đức, mà ở đây chủ yếu là đạo đức Khổng - Mạnh để giáo huấn đạo làm người, đạo trừ gian. Với niềm tin chắc chắn chính đạo sẽ thắng tà đạo, chính nghĩa sẽ thắng hung tàn, nước nhà chắc chắn sẽ được độc lập: “Chừng nào thánh đế ân soi thấu/ Một trận mưa nhuần rửa núi sông”; “Bao giờ nhật nguyệt vầy gương sáng/ Bốn biển âu ca hiệp một nhà…”. Trước thực trạng đất nước bị xâm lăng, không cầm giáo được thì qua các sáng tác của mình, cụ Đồ Chiểu xung phong giương cao ngọn cờ chính nghĩa, hiệu triệu sĩ dân đứng lên giết giặc đến hơi thở sau cùng: “Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; Chẳng thà còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ”. Đặc biệt, bài Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh do cụ đọc năm 1884, tại Chợ Đập (chợ Ba Tri cũ) tương truyền có Quản Hớn đến dự và có tác động lớn đến việc nổ ra cuộc khởi nghĩa Thôn vườn trầu năm 1885 giết chết vợ chồng đốc phủ Ca do Quản Hớn lãnh đạo. Do vậy, có thể nói Quản Hớn là người chịu ảnh hưởng trực tiếp của cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Chính vì lẽ đó, đa số học trò của cụ không phải là những người hoàn toàn học theo lối sôi kinh nấu sử, đóng cửa học thuộc lòng từng câu, từng chữ trong sách thánh hiền, mà phải biết vận dụng để sống, thâm nhập vào thời cuộc bằng chính tài năng, thực học của mình và quyền biến để giữ vững ý chí, tinh thần của kẻ sĩ. Điển hình là hai hậu duệ mà cũng là học trò trực tiếp của cụ là Nguyễn Thị Khuê (Sương Nguyện Anh), Nguyễn Đình Chiêm (hiệu Sơn Đẩu) đều mở trường tư dạy học và làm nghề hốt thuốc chữa bệnh cho dân. Riêng bà Sương Nguyệt Anh còn từng tham gia ủng hộ phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và làm Chủ bút tờ báo Nữ Giới Chung - tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên của nữ giới để thức tỉnh giới nữ, thúc giục họ thoát khỏi chốn phòng khuê tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ngoài ra, cụ còn có hai học trò ưu tú tích cực hoạt động trong phong trào Phật giáo yêu nước. Đó là Hòa thượng Lê Khánh Hòa (1877 - 1947), người có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ những năm 1920 - 1945. Cũng thông qua phong trào này, Hòa thượng có mối thâm giao đặc biệt với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1929) - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người thứ hai là Hòa thượng Khánh Thông, cũng là người có uy tín lớn trong giới tăng, ni, phật tử ở Bến Tre những thập niên nửa đầu thế kỷ XX.

 Thế hệ tiếp theo chịu ảnh hưởng của cụ Nguyễn Đình Chiểu là Lê Văn Phát (Hương lễ Đẩu), Trần Văn An, Nguyễn Trung Nguyệt… từ chủ nghĩa yêu nước đi tới chủ nghĩa Mác - Lênin, sớm giác ngộ và tham gia cách mạng, là những hạt giống đỏ của phong trào cách mạng ở địa phương. Từ đó, thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, dưới ảnh hưởng đạo đức của cụ, nhiều chiến sĩ cách mạng đã trưởng thành, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tóm lại, trong thời kỳ lịch sử dân tộc đầy đau thương, Nguyễn Đình Chiểu không thể có những học trò thành đạt, nhưng ông đã đào tạo ra nhiều thế hệ học trò, trong đó có người Bến Tre, chịu ảnh hưởng của cụ, noi gương cụ, sống, chiến đấu và đối nhân xử thế theo hình mẫu “đạo làm người” và “đạo trừ gian”, nhất là thái độ trước sau như một đối với giặc ngoại xâm: “Đã làm người chớ ở hai lòng/ Đã vì nước phải theo một phía”. Cụ Đồ Chiểu xứng đáng là người thầy lớn của miền Nam và cả nước nửa cuối thế kỷ XIX và là người thầy lớn của các thế hệ người dân Bến Tre, Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung cho đến hôm nay và mai sau.

Theo Báo Đồng Khởi