Chị Nguyễn Thị Yến phơi khô cá lóc
Đến thăm nhà chị Yến vào những ngày đầu năm 2024, chị đang tất bật với công việc phơi khô cá lóc để kịp giao cho khách hàng. Chị Yến kể, trước đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phương Thịnh giới thiệu cho chị về mô hình khởi nghiệp và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, chị cũng muốn tham gia nhưng còn lăn tăn nhiều vấn đề, nhất là việc chọn sản phẩm gì để khởi nghiệp, sợ khởi nghiệp không thành công. Tuy nhiên, đến năm 2022, qua tìm hiểu thực tế ở địa phương, chị Yến nhận thấy nguồn nguyên liệu cá lóc phong phú, khô cá lóc là sản phẩm được nhiều người sử dụng trong các bữa ăn, từ đó, chị quyết định chọn nghề làm khô cá lóc để khởi nghiệp.
Tiếp sức cho chị Yến khởi nghiệp, Hội LHPN xã Phương Thịnh hỗ trợ chị đăng ký sản phẩm khởi nghiệp, vay vốn ưu đãi để đầu tư khởi nghiệp với số tiền 50 triệu đồng. Bắt tay vào khởi nghiệp, từ số vốn vay ưu đãi, chị Yến mua tủ đông, làm giàn phơi khô, mua nguyên liệu làm khô. Lúc đầu, chị Yến làm khô với số lượng nhỏ lẻ, chủ yếu làm quen với thị trường. Những mẻ khô ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên khô làm ra có vị chưa ngon, không vừa ăn, hình thức không bắt mắt. Từ những mẻ khô sau, chị Yến làm xong thì đem tặng cho người thân ăn để góp ý. Từ đó, chị rút kinh nghiệm, điều chỉnh gia giảm liều lượng công thức ướp và kỹ thuật làm khô để sản phẩm khô cá lóc làm ra ngon hơn. Chị Nguyễn Thị Yến bộc bạch: “Làm khô cá lóc cũng khá vất vả, trải qua nhiều công đoạn như: cạo vảy, xẻ cá, lấy chỉ máu, rửa cá để ráo nước rồi tẩm ướp gia vị và đem phơi nắng. Để sản phẩm khô cá lóc được hấp dẫn, các công đoạn làm khô phải thật tỉ mỉ, đặc biệt là công đoạn phơi khô rất quan trọng, phải có nắng tốt, trở khô thường xuyên thì khô mới khô đều và có màu sắc, hương vị thơm ngon”.
Trải qua những khó khăn bước đầu, chị Yến đã làm thành công sản phẩm khô cá lóc và được thị trường đón nhận. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, chị Yến cho ra thị trường khoảng 250kg khô cá lóc. Ngoài khô cá lóc, chị Yến còn làm thêm khô cá chốt, cá sặc rằn (mỗi tháng hơn 50kg). Riêng thời điểm Tết, chị Yến sản xuất gần 600kg khô các loại. Theo chị Yến, khô cá lóc bán với giá 160 ngàn đồng/kg; khô cá chốt 180 ngàn đồng/kg, khô cá sặc rằn 200 ngàn đồng/kg. Hiện tại, chị Yến bán hàng cho các tiểu thương trong và ngoài xã, đồng thời chị còn bán hàng ở các chợ trong và ngoài huyện Cao Lãnh. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu, chị Yến có lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Yến chia sẻ: “Với sự hỗ trợ, động viên tinh thần của Hội LHPN xã đã giúp tôi tham gia khởi nghiệp. Từ khi khởi nghiệp, tôi có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định hơn. Để sản phẩm khô cá lóc tiếp tục đứng vững trên thị trường, trong thời gian tới, tôi sẽ đầu tư thêm máy đánh vảy cá, mua thêm tủ đông, thuê thêm nhân công làm để tăng số lượng sản xuất khô cá lóc hàng tháng. Đồng thời chú trọng nâng chất lượng sản phẩm và đăng ký tham gia sản phẩm OCOP”.
Mặc dù chỉ mới khởi nghiệp từ số vốn ít ỏi ban đầu, nhưng với ý chí quyết tâm của bản thân, chị Yến đã khởi nghiệp thành công với sản phẩm khô cá lóc. Đây là một minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ, không chỉ tạo việc làm cho bản thân, chị Yến còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động nữ ở địa phương với các công đoạn: xả cá, phơi khô... Chị Ngô Thị Vẽ - Chủ tịch Hội LHPN xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, cho biết: “Chị Nguyễn Thị Yến là một trong những phụ nữ ở xã khởi nghiệp có hiệu quả, góp phần cải thiện kinh tế gia đình. Thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục quan tâm hỗ trợ chị Yến được tiếp cận vay thêm nguồn vốn ưu đãi, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, đăng ký tham gia sản phẩm OCOP, tham dự các lớp tập huấn cách kinh doanh và quảng bá sản phẩm để chị Yến phát triển nghề làm khô cá lóc”.
Theo MỸ XUYÊN (Báo Đồng Tháp)