Xoài - ngành hàng chủ lực của tỉnh (Ảnh: Thanh Phong)
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), hàng năm, công tác hướng dẫn, thông tin, tuyên truyền, công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đều được triển khai hiệu quả bằng nhiều hình thức. Trong đó, chú trọng tổ chức các Đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương thực hiện tốt công tác tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý để các chủ sở hữu có thêm kinh nghiệm trong hoạt động quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.
Trong thời gian qua, công tác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu các sản phẩm nông sản đặc thù mang địa danh của tỉnh được thực hiện hầu hết đối với các nông sản đặc trưng của tỉnh. Huyện Cao Lãnh là địa phương có số lượng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được cấp văn bằng nhiều nhất với 6 nhãn hiệu. Đến nay, toàn tỉnh đã xác lập quyền thành công cho 1 chỉ dẫn địa lý (chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài), 37 nhãn hiệu chứng nhận (28 nhãn hiệu cho nông sản đặc thù, 9 nhãn hiệu cho dịch vụ, du lịch khác), 4 nhãn hiệu tập thể phục vụ sản xuất kinh doanh, quảng bá hình ảnh địa phương. Ngoài ra còn có một số hàng hóa đặc thù của tỉnh và địa phương đang lập thủ tục đăng ký xác lập quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ tiêu biểu như: chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen; nhãn hiệu chứng nhận “Làng bột Sa Đéc”, sầu riêng “Cao Lãnh”, “Xoài Cù Lao Tây”.
Theo Sở KH&CN, một số địa phương và chủ sở hữu quan tâm triển khai công tác quản lý và phát triển các nhãn hiệu thông qua việc ban hành các kế hoạch quản lý và phát triển nhãn hiệu. Bên cạnh đó, các địa phương và chủ sở hữu còn quan tâm xây dựng, hoàn thiện các công cụ, mô hình để tạo cơ sở cho hoạt động quản trị các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đạt được hiệu quả như: quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu; quy chế kiểm soát chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm mang nhãn hiệu; mô hình quản lý nhãn hiệu, thực hiện kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm...
Đối với hoạt động cấp phép sử dụng nhãn hiệu, ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý được các chủ sở hữu quan tâm thực hiện. Tính đến nay có 7 nhãn hiệu, 1 chỉ dẫn địa lý có hoạt động cấp phép, ghi nhận quyền cho tổ chức, cá nhân sử dụng, điển hình như nhãn hiệu chứng nhận “Sen Tháp Mười”, nhãn hiệu chứng nhận “Khô Phú Thọ”, nhãn hiệu chứng nhận “Nem Lai Vung”, nhãn hiệu chứng nhận “Ớt Thanh Bình”; chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài; nhãn hiệu tập thể “Cá tra giống Hồng Ngự”...
Bên cạnh đó, việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Trung ương và địa phương được triển khai bám sát tiến độ đề ra. Theo đó, các nhiệm vụ đã nghiệm thu, công nhận kết quả và chuyển giao ứng dụng như: Dự án Đăng ký xác lập quyền (bảo hộ) đối với chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài; Dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Khô Phú Thọ”. Đồng thời tiếp tục theo dõi và thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu”; thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen”; triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh “Quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chanh Cao Lãnh”; Dự án “Hỗ trợ nâng cao hiệu quả đăng ký, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ cho các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025”.
Đối với công tác quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại liên quan đến các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương được các chủ sở hữu thực hiện chủ yếu thông qua hoạt động tham gia trưng bày gian hàng tại các hội chợ do tỉnh tổ chức hoặc tham gia trưng bày tại các sự kiện xúc tiến thương mại nông sản trong và ngoài tỉnh. Theo đó, một số địa phương, chủ sở hữu tổ chức các ngày hội nông sản, hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm, xây dựng và phát chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý...
Theo Y DU (Báo Đồng Tháp)