Đồng Tháp: Đi qua những gian lao

27/01/2023 - 10:14

Bước vào hành trình phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, các startup, các chủ thể sản phẩm OCOP đổi mới tư duy kinh doanh, lắng nghe thị trường, chắt chiu những cơ hội để tìm hướng đi mới...

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (bên phải) thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long

CHẮT CHIU CƠ HỘI MỚI

Là một trong những gương mặt tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp tỉnh nhà, các sản phẩm tinh dầu của Công ty Hương Đồng Tháp đã tạo được uy tín trên thị trường. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp rơi vào giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự sẻ chia và lắng nghe nhu cầu người tiêu dùng, công ty cho ra đời sản phẩm tinh dầu lá xông ngay thời điểm thị trường đang cần và được khách hàng rất ưa chuộng, giúp thương hiệu Hương Đồng Tháp đến gần hơn với thị trường.

Bước qua những “nốt trầm” thời điểm dịch bệnh, để vực dậy sản xuất kinh doanh, chị Đoàn Ngọc Minh Thùy - Giám đốc Công ty TNHH Hương Đồng Tháp kết hợp giữa tài nguyên bản địa với công nghệ, từ đó tạo được đòn bẩy trong sản xuất. Chị Thùy chia sẻ: “Để tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm, công ty đẩy mạnh đầu tư trang bị máy móc phục vụ sản xuất và truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, chắp thêm niềm tin cùng người tiêu dùng. Đồng thời tìm kiếm cơ hội, tận dụng cơ chế chính sách để hợp tác, xuất khẩu sản phẩm”.

Đầu ra sản phẩm được xem là tiêu chí “sống còn” của cơ sở, doanh nghiệp khởi nghiệp, thời gian qua, các startup mạnh dạn tiếp cận với kênh thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm khởi nghiệp của tỉnh đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử như: Voso, Shopee, Lazada, Tiki.... Anh Tống Duy Khương - chủ Cơ sở sản xuất và kinh doanh nấm rơm Phước Lộc, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, chia sẻ: “Hiện tại, thương mại điện tử là hướng đi giàu tiềm năng, giúp sản phẩm thuận lợi tiếp cận sâu với người tiêu dùng, không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Với sản phẩm nấm rơm hấp được đóng gói, có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng rất phù hợp với kênh tiêu thụ này. Để “rộng đường” cho sản phẩm, cơ sở còn duy trì cả kênh bán hàng truyền thống, xây dựng chiến lược về dịch vụ hậu mãi và chăm sóc khách hàng”.

Trở lại với “đường đua” kinh doanh, anh Trần Phong Nhã - chủ Cơ sở sản xuất nấm Phong Nhã, huyện Lấp Vò chọn cho mình chiến lược “lấy ngắn nuôi dài”. Bên cạnh sản phẩm nấm linh chi Nhật và nấm bào ngư, hiện nay, cơ sở đang trồng thêm rau mầm. Với thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 5 ngày là rau mầm có thể thu hoạch. Hiện, mỗi ngày, cơ sở cung ứng cho thị trường khoảng 80-100kg rau mầm. “Để giảm chi phí sản xuất, cơ sở còn tận dụng các phôi trồng nấm để sản xuất rau mầm. Từ nguồn thu này đã giúp cơ sở tái đầu tư cho sản phẩm nấm linh chi, nấm bào ngư có thời gian sinh trưởng dài hơn. Ngoài ra, sau dịch Covid-19, tôi còn tận dụng cơ hội từ các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh để tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác, tạo đầu ra cho các sản phẩm”, anh Trần Phong Nhã cho biết.

Chị Dương Thị Hồng Chuyên - chủ Cơ sở sản xuất khô Ba Khía (huyện Tân Hồng) từng khởi nghiệp với nhiều sản phẩm được thị trường đón nhận như: khô cá chốt rim me, ba khía trộn, khô cá lóc... Từ mong muốn tiếp tục nâng cao giá trị cho tài nguyên bản địa, chị Dương Thị Hồng Chuyên cho ra đời sản phẩm lạp xưởng cá lóc, lạp xưởng cua đồng. Điểm nhấn của sản phẩm là chưa có trên thị trường, sở hữu hàm lượng dinh dưỡng cao. Lạp xưởng cá lóc, lạp xưởng cua đồng có độ thơm, dai hơn so với lạp xưởng thịt truyền thống, lại không gây ngán. Chính sự sáng tạo trong sản xuất, dự án “Phát triển sản phẩm lạp xưởng cá lóc” của chị Dương Thị Hồng Chuyên giành giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng tháp năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, Đồng Tháp xem khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là khâu đột phá. Theo đó, hoạt động khởi nghiệp mang bên mình những tiềm năng lớn, phát triển tốt giá trị tài nguyên bản địa, giải quyết được việc làm cho lao động. Đồng thời từng bước hình thành cộng đồng doanh nghiệp kế thừa trong tương lai. Để phát huy sức mạnh đó, Đồng Tháp luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Các bạn trẻ Đất Sen hồng mạnh dạn khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

GIỚI THIỆU HÌNH ẢNH QUÊ HƯƠNG

Sở hữu lợi thế phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh, các startup khéo léo áp dụng phát triển sản phẩm theo chương trình OCOP để giới thiệu hình ảnh về quê hương thông qua sản phẩm OCOP.

Đến nay, cơ sở sản xuất khô cá đồng Phan Chao (huyện Tam Nông) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao đối với 5 sản phẩm: cá lòng tong nhồi tiêu sọ, khô cá lóc đồng baby, cá kết đồng baby... Điểm nhấn các sản phẩm của cơ sở này là nguyên liệu cá hoàn toàn được đánh bắt tự nhiên.

Chị Nguyễn Thị Ngoãn - chủ Cơ sở sản xuất khô cá đồng Phan Chao cho biết, khô cá lóc nấu cơm mẻ, khô cá lòng tong kho tiêu là những món ăn dân dã của người dân miền Tây sông nước. Sản phẩm khô cá lòng tong của cơ cở có điểm đặc biệt là được nhồi từng hạt tiêu vào bụng cá để khi chế biến sẽ tăng thêm hương vị đặc trưng sản phẩm. Nhằm nâng chất lượng sản phẩm, cơ sở còn đầu tư hệ thống máy sấy năng lượng mặt trời với công nghệ sấy lạnh giữ được màu sắc tự nhiên của khô, chất lượng sản phẩm đảm bảo như phơi theo phương thức truyền thống”.

Bằng tình yêu quê hương, ông Huỳnh Văn Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp (huyện Châu Thành) mong muốn đưa sản phẩm OCOP của đơn vị đến tay người tiêu dùng một cách chỉn chu từ chất lượng đến mẫu mã bao bì sản phẩm.

Hiện nay, công ty có 2 sản phẩm hạt sen sấy, mít sấy đạt 4 sao được tỉnh làm hồ sơ đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia xét công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao. Ông Huỳnh Văn Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp cho biết, để nâng cao giá trị cho nông sản tỉnh nhà, thời gian qua, công ty đẩy mạnh áp dụng thiết bị mới vào quy trình sản xuất. Khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được xem là đòn bẩy giúp sản phẩm tiếp cận sâu với thị trường, có mặt tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên toàn quốc... Theo đó, doanh số bán hàng của đơn vị tăng 10% so với thời gian trước, góp phần tiêu thụ tốt nông sản địa phương, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

Sản phẩm Xoài Chú Chín đạt chứng nhận OCOP 3 sao

Với mong muốn hợp lực cùng nhau phát triển, các doanh nghiệp cùng chí hướng chung tay hình thành Hợp tác xã (HTX) Đặc sản Đồng Tháp. “Mái nhà chung” này thu hút khoảng 60 doanh nghiệp tham gia với hơn 400 sản phẩm là các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản địa phương để giới thiệu cho thị trường. Bà Bùi Thị Thanh Thủy - Giám đốc HTX Đặc sản Đồng Tháp, chia sẻ: “Tận dụng sức mạnh của tập thể để giúp các thành viên tiếp tục hoàn thiện sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm tại HTX có nhiều thay đổi tích cực từ nhãn hiệu đến chất lượng sản phẩm. Với kênh tiêu thụ sẵn có của HTX, đơn vị sẽ hỗ trợ các thành viên phát triển thị trường tiêu thụ, góp phần giới thiệu hình ảnh quê hương Đồng Tháp đến gần hơn với bạn bè gần xa.

Qua thời gian triển khai thực hiện chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao. Đáng chú ý là có gần 400 sản phẩm OCOP tham gia các sàn thương mại điện tử như Voso, Shopee, Lazada, Tiki, trang HTX Đặc sản Đồng Tháp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, Đồng Tháp đang xây dựng chính sách đặc thù của địa phương, đẩy mạnh hỗ trợ nâng cao chất lượng các sản phẩm làng nghề, đáp ứng các tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Tiếp tục hỗ trợ các khu, điểm du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ hoạt động, đạt chuẩn OCOP đối với sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho tất cả các sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia vào các sàn giao dịch điện tử uy tín, siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước...

Theo Báo Đồng Tháp