Doanh nghiệp đầu tư vùng nuôi cá tra đạt chất lượng, phục vụ nhu cầu xuất khẩu (Ảnh: Khánh Duy)
Khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản
Những năm qua, nuôi trồng thủy sản ở Đồng Tháp có sự gia tăng nhanh về số lượng và quy mô. Theo thống kê, từ năm 2015 - 2020, sản lượng thủy sản tỉnh nhà (cả đánh bắt và nuôi trồng) có sự phát triển mạnh, tăng trưởng trung bình khoảng 3,7%/năm. Năm 2015, giá trị sản xuất của ngành thủy sản theo giá hiện hành là 13.017.807 triệu đồng, chiếm 27% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Đến năm 2022, giá trị sản xuất của ngành thủy sản đạt 302.195 USD. Riêng nuôi trồng thủy sản đạt giá trị 161.870 USD, chiếm 53,6% giá trị toàn ngành thủy sản của tỉnh. Diện tích mặt nước được sử dụng để nuôi trồng thủy sản không ngừng phát triển. Tháng 6/2020, diện tích nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh ước đạt 107,25ha. Đến tháng 8/2021, diện tích tăng lên 2.128,63ha.
Đáng chú ý là chất lượng, hiệu quả phát triển nuôi trồng thủy sản từng bước được nâng lên rõ nét. Năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Đồng Tháp đạt sản lượng 78.735 tấn, ước đạt 238.837 USD (năm 2021 đạt sản lượng 74.292 tấn, đạt 163.407 USD). Như vậy, so với năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh tăng cả về sản lượng và giá trị. Theo Báo cáo tình hình kinh tế thủy sản của tỉnh Đồng Tháp năm 2022, tổng thu nhập trung bình của một chủ thể nuôi trồng thủy sản đạt 65,56 triệu đồng/tháng, cao hơn 1,78 lần so với năm 2015 và cao hơn 4,5 lần mức thu nhập trung bình của một hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay.
Cơ cấu nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại, hợp lý. Năm 2022, giá trị toàn ngành thủy sản đạt 302.195 USD, trong đó, ngành nuôi trồng thủy sản đạt 161.870 USD (chiếm 53,6%), ngành khai thác thủy sản đạt 16.715 USD (đạt 5,53%), ngành chế biến thủy sản đạt 102.510 USD (đạt 33,9%), ngành dịch vụ hậu cần nghề cá đạt 1,90%, ngành thương mại thủy sản đạt 32.075 USD (đạt 10,6%). Trong tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi cá tra đạt 2.128,63ha (chiếm 67,86%), diện tích nuôi tôm đạt 665ha (chiếm 21,2%), còn lại 289,11ha nuôi trồng các loại thủy sản khác (đạt 9,21%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, nuôi trồng thủy sản của tỉnh còn một số hạn chế. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của tỉnh còn rất khiêm tốn so với nhiều địa phương khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và chỉ chiếm hơn 7,5% tổng số giá trị thủy sản của toàn vùng. Riêng nuôi trồng thủy sản đạt giá trị 161.870 USD, chiếm 53,6% giá trị toàn ngành thủy sản của tỉnh. Điều này, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. Hiện nay, các loại thủy sản nuôi trồng đa phần chỉ tập trung vào một số loại như: cá tra, tôm... nhiều loại thủy sản khác có giá trị kinh tế cao chưa được chú trọng nuôi trồng đúng mức.
Ngoài ra, chất lượng, hiệu quả nuôi trồng thủy sản của tỉnh chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Theo đó, việc nuôi trồng thủy sản phát triển còn mang tính tự phát, thiếu tính ổn định; năng lực cạnh tranh còn yếu; phát triển nuôi trồng thủy sản ở tỉnh chưa gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp. Mặt khác, đóng góp của nuôi trồng thủy sản đối với sự phát triển kinh tế của địa phương còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 5,09% tổng giá trị sản phẩm toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp; mối liên kết, hợp tác trong sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm thủy sản chưa chặt chẽ...
Nuôi trồng thủy sản phát triển chưa cân đối, còn mang tính tự phát, thiếu tính ổn định. Thời gian qua, việc phát triển nuôi trồng thủy sản ở tỉnh mới chỉ tập trung ở một số huyện: Thanh Bình, Tân Hồng, Tam Nông... Trong khi một số huyện, thành phố như: TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc, Lấp Vò... chưa thể phát triển do diện tích mặt nước nuôi trồng ít; số lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp không nhiều; thiếu vốn, khoa học công nghệ, nhất là kinh nghiệm trong quá trình phát triển nuôi trồng thủy sản.
Hướng tới sự phát triển bền vững
Thời gian tới, để nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, địa phương cần tập trung vào một số phương hướng, giải pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể trên địa bàn tỉnh về phát triển nuôi trồng thủy sản. Đây được xem là giải pháp cơ bản, quan trọng hàng đầu nhằm giúp cho các chủ thể hiểu sâu sắc về tầm quan trọng và lợi ích của việc phát triển nuôi trồng thủy sản, từ đó thống nhất tư tưởng, hành động để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch và cơ chế chính sách để thúc đẩy nuôi trồng thủy sản phát triển. Theo đó, cần có quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết. Thông qua đó sẽ xác định được các tiềm năng, các nguồn lực để khai thác đạt hiệu quả. Để xây dựng tốt quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản cần đảm bảo xây dựng và hoàn thiện các chương trình, kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế của tỉnh; xây dựng quy hoạch phát triển các loại hình nuôi trồng thủy sản trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng vùng và gắn với quy hoạch của từng huyện.
Hướng đến phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản, tỉnh cần phát huy có hiệu quả các nguồn lực. Trong đó, về vốn sản xuất kinh doanh, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ban, ngành giúp cho người nuôi thuận tiện trong việc tiếp cận với các nguồn tín dụng, cả ưu đãi và không ưu đãi. Đối với xây dựng kết cấu hạ tầng, tỉnh cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, xây dựng các cụm kinh tế, văn hóa với hệ thống hạ tầng trường học, trạm y tế, nông thôn...; các hồ nước, các trạm bơm, hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ cho việc nuôi trồng vào mùa khô. Trong ứng dụng khoa học công nghệ cần phải đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, tiếp tục đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.
Đặc biệt là tăng cường hoạt động liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây là giải pháp quan trọng nhằm liên kết “bốn nhà”. Trong đó trực tiếp là chủ thể khai thác và nuôi trồng thủy sản có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản từ khâu đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Đối với Nhà nước, đóng vai trò trung tâm, thông qua việc ban hành các chính sách, giải pháp về kinh tế - xã hội nhằm gắn kết nhà khoa học, doanh nghiệp và chủ thể khai thác, nuôi trồng thủy sản vào việc giải quyết nguồn vốn, chuyển giao công nghệ và đầu ra cho sản phẩm thủy sản...
Theo Báo Đồng Tháp