Đồng Tháp: Huyện Lai Vung đề ra nhiều giải pháp tái cơ cấu ngành công nghiệp

31/05/2023 - 14:26

Mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 của huyện Lai Vung là tiếp tục tập trung kêu gọi thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp có lợi thế tại địa phương, nhất là công nghiệp chế biến nông sản; phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt bình quân 5,79%/năm, trong đó công nghiệp chế biến đạt trên 5%/năm (giá so sánh năm 2010), tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động mỗi năm; củng cố, phát triển và hoạt động trở lại đối với Cụm công nghiệp (CCN) Tân Dương; phát triển mới ít nhất 1 CCN theo đề án được Bộ Công Thương phê duyệt (CCN Vĩnh Thới, diện tích 75ha).

Huyện Lai Vung tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp

Giai đoạn 2026 - 2030 và sau năm 2030, huyện Lai Vung phấn đấu, duy trì giá trị sản xuất công nghiệp trong nhóm khá hoặc nhóm đầu của tỉnh Đồng Tháp; đầu tư, phát triển ngành công nghiệp mới, ứng dụng công nghệ cao phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương; phát triển mới 1 CCN theo đề án được Bộ Công Thương phê duyệt (CCN Phong Hòa, diện tích 75ha); phát triển mới Khu công nghiệp Sông Hậu 3 gồm 2 xã: xã Tân Phước, Tân Thành nhằm tạo vùng kinh tế phía Nam Sông Tiền (theo Đề án). Huyện khuyến khích phát triển ngành công nghiệp sử dụng nguồn năng lượng sạch; từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ chế biến thực phẩm, cơ khí, chế tạo...

Huyện Lai Vung sẽ tập trung kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ cao dựa trên tiềm năng, lợi thế về giao thông, vùng nguyên liệu, mặt bằng đã có của các CCN; thúc đẩy đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, cùng với tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; ưu tiên tư nhân đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, CCN, nhằm chủ động tạo quỹ đất sạch phục vụ công tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Đồng thời vận dụng hợp lý các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành theo quy định; khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người dân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, kết hợp với thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Huyện cũng chú trọng cải thiện và nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh trên địa bàn huyện; triển khai linh hoạt các chính sách và tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng được thị trường chấp nhận; khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển ý tưởng khởi nghiệp, nhất là các ý tưởng, dự án khởi nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng và thế mạnh của huyện; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp công nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, tự động hóa vào sản xuất để tạo dựng sản phẩm, thương hiệu của huyện có sức cạnh tranh cao.

Theo TRANG HUỲNH (Báo Đồng Tháp)