Đồng Tháp: Kinh tế - xã hội tỉnh có nhiều điểm sáng tích cực

08/11/2022 - 14:39

Đó là ghi nhận của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 10 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022 của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao các ngành, các cấp triển khai đầy đủ các giải pháp thực hiện tốt những nhiệm vụ đã đề ra, việc khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả tốt.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao kết quả đạt được của các ngành, các cấp

Trong 2 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh phát huy những ưu thế đã đạt được thời gian qua; không lơ là chủ quan, tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu để hoàn thành, tăng cường phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư, đẩy mạnh đầu tư công, chú ý vấn đề biên chế đảm bảo đúng quy định. Đồng thời, chuẩn bị sơ kết và tổng kết năm để triển khai kế hoạch năm 2023; ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh tổ chức tốt các lễ hội, sự kiện lớn của tỉnh  vào cuối năm.

Bên cạnh đó, cần tập trung khắc phục các hạn chế như giá thành sản xuất nông, lâm, thủy sản, và công nghiệp tăng; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tuy có cao hơn so cùng kỳ nhưng vẫn đạt thấp so kỳ vọng; tình hình thu hút dự án đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế…

Lãnh đạo các sở, ngành báo cáo kết quả công tác trong những tháng đầu năm 2022

Trong tháng 10, tình hình tiêu thụ các loại nông, lâm, thủy sản của tỉnh tiếp tục ổn định, giá bán có chiều hướng tăng cao ở hầu hết các mặt hàng nông sản, giúp người nông dân tiếp tục đạt lợi nhuận khá. Công nghiệp, thương mại - dịch vụ tiếp tục duy trì đà phát triển, 10 tháng có nhiều sản phẩm có sản lượng đạt và vượt mục tiêu kế hoạch năm 2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2022 tăng gần 13% so tháng cùng kỳ năm 2021; 10 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 10 đạt trên 9.370 tỷ đồng, 10 tháng đạt gần 93.340 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (không tính hàng hóa tạm nhập, tái xuất) 10 tháng ước đạt 1.234 triệu USD, vượt 4% so với kế hoạch, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021.

Đến ngày 19/10/2022, số doanh nghiệp thành lập mới là 625 doanh nghiệp (tăng 62% so cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký trên 4.500 tỷ đồng. Công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định, thực hiện đến ngày 17/10/2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 6.070 tỷ đồng, bằng 89% dự toán năm; chi cân đối sách địa phương đạt trên 10.140 tỷ đồng, bằng 79% dự toán năm… Có được kết quả trên nhờ các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh của Trung ương, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, các giải pháp linh hoạt, sâu sát cơ sở của địa phương góp phần làm phục hồi hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Đại diện Sở Tài chính báo cáo các vấn đề liên quan công tác tài chính

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, các chính sách hỗ trợ phục hồi cùng các giải pháp linh hoạt của tỉnh đã góp phần phát triển doanh nghiệp đạt kết quả rất khả quan. Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho các ngành, lĩnh vực sản xuất tăng tốc sau thời gian bị tác động dịch bệnh kéo dài. Công tác giáo dục, dạy nghề, lao động, người có công và an sinh xã hội được thực hiện tốt, nhiều chỉ tiêu đến nay đã đạt và vượt mục tiêu năm 2022. Các hoạt động văn hóa văn nghệ tiếp tục diễn ra sôi nổi, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ của người dân.

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được các cơ quan, đơn vị và địa phương quan tâm thực hiện, tập trung chỉ đạo, điều hành, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, nhất là xây dựng chính quyền kiến tạo, phát triển, chuyển từ quản lý sang phục vụ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Về thực hiện Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 11 của Chính phủ, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các vấn đề trọng tâm phòng, chống dịch Covid-19; phục hồi sản xuất kinh doanh; thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công, đẩy mạnh giải ngân; cải cách hành chính; thu hút đầu tư; xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp; giải quyết việc làm, thực hiện chính sách an sinh xã hội... Đồng thời, xử lý nhanh các vấn đề có tính cấp bách của địa phương. Đến nay, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, giữ vững địa bàn an toàn để người dân, doanh nghiệp an tâm sinh sống, gia tăng sản xuất, kinh doanh góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Báo Đồng Tháp