Đồng Tháp: Mô hình Hội quán tham gia thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tại địa phương

29/08/2024 - 14:36

Những năm qua, mô hình Hội quán trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì, phát triển. Các Hội quán đa dạng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, từ sản xuất kinh doanh đến Hội quán văn nghệ sĩ. Hoạt động của Hội quán giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, phát huy tinh thần đoàn kết, tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân trong sản xuất, kinh doanh, tham gia giải quyết công việc ở cộng đồng dân cư, góp phần thay đổi nhận thức, tập quán từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Thông qua tuyên truyền, vận động của các thành viên Hội quán trên địa bàn huyện Tân Hồng, người dân tích cực tham gia xây dựng giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn ở cơ sở

Thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp với mục tiêu “Hợp tác, liên kết, thị trường”, “Giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng chế biến”; tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận, áp dụng và làm chủ khoa học công nghệ hướng đến “Tri thức hóa” cho người dân. Trước thực tế đó, mô hình Hội quán trên địa bàn tỉnh ra đời. Mô hình do nông dân tự nguyện cùng lập ra để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản thời hội nhập và chia sẻ chuyện xóm, chuyện nhà... “Canh Tân Hội quán” là Hội quán đầu tiên ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành được thành lập vào ngày 3/7/2016 với 105 hội viên. Trải qua hơn 8 năm, mô hình Hội quán trong tỉnh không ngừng phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 135 Hội quán với gần 7.400 thành viên, trong đó có 34 hợp tác xã được thành lập từ mô hình Hội quán.

Các Hội quán đều xây dựng quy chế sinh hoạt định kỳ mỗi tháng ít nhất 1 lần (tùy theo quy chế của mỗi Hội quán). Việc tổ chức sinh hoạt cơ bản đúng lệ kỳ, không gian và thời gian linh hoạt tùy theo điều kiện của các thành viên. Trong buổi sinh hoạt, thành viên Hội quán gồm: cấp ủy, chính quyền, cán bộ hưu trí, nông dân, doanh nghiệp... cùng nhau định hướng kế hoạch phát triển cộng đồng, phát triển sản xuất, kinh doanh, chia sẻ công việc chung. Hội quán hoạt động trên nguyên tắc “3 không”, “3 tự”, “3 cùng” (không bộ máy, không ngân sách, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc của Hội quán; cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng).

Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, của tỉnh

Mô hình Hội quán thể hiện được vai trò là trung tâm kết nối, nâng cao nhận thức của nông dân trong việc chuyển đổi từ phương thức sản xuất truyền thống, hàng hóa sản xuất không thương hiệu, giá cả không ổn định sang sản xuất theo hướng công nghệ cao, theo quy trình hữu cơ sinh học, trong đó chú trọng tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, xây dựng quy hoạch sản xuất, có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp phân phối, chế biến với các nhà sản xuất, hộ nông dân... giúp giảm bớt những rủi ro trong tiêu thụ nông sản cho người nông dân.

Thông qua hoạt động của Hội quán, nông dân được tạo điều kiện tham gia các sự kiện, diễn đàn nông nghiệp như: “Tuần lễ xoài Cao Lãnh và trái cây chủ lực trên sàn Thương mại Điện tử tỉnh Đồng Tháp Chodacsandongthap.com và sàn Voso.vn” nhằm hỗ trợ thành viên Hội quán và nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tiếp cận với kênh thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Đáng ghi nhận có trên 10 Hội quán liên kết làm du lịch như: Thuận Tân Hội quán, Tâm Quê Hội quán (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh)... kết hợp du lịch với các dịch vụ trải nghiệm, Homestay tại chỗ, nấu ăn phục vụ du khách có nhu cầu, qua đó tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho các thành viên Hội quán.

Ngoài trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, mô hình Hội quán đã phát huy tinh thần đoàn kết, kích hoạt sự đổi mới tư duy, sáng tạo, tập hợp những người cùng ngành nghề hợp tác trong sản xuất, tự chủ, tự quản tham gia các công việc tại địa bàn dân cư. Nổi bật, thành viên các Hội quán còn tham gia huy động nguồn lực xã hội xây dựng nông thôn mới, vận động người dân tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc để thực hiện các công trình, phần việc tại địa bàn dân cư, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại nhiều xã trên địa bàn tỉnh trước thời hạn theo kế hoạch đề ra. Chính từ hoạt động của mô hình Hội quán, giúp các cấp ủy, chính quyền gần dân hơn, nắm tâm tư, nguyện vọng người dân, thúc đẩy thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy  khóa XI về tiếp tục tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác dân vận đến năm 2025.

Theo NGỌC TÂM (Báo Đồng Tháp)