Diện tích xuống giống lúa Thu đông 2024 trên địa bàn huyện Long Mỹ đã thực hiện đạt trên 50% kế hoạch.
Thăm ruộng lúa được 10 ngày tuổi, ông Nguyễn Văn Phận, ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, cho biết: “Vụ này tôi sạ OM 5451 cho diện tích gần 1ha, trà lúa đang phát triển tốt. Tôi tuân thủ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp về thời gian xuống giống để hạn chế mầm bệnh, tránh lúa đổ ngã. Thu đông là vụ khó nhất, nên khi vừa thu hoạch lúa Hè thu xong, tôi đã tiến hành dọn đất, san phẳng mặt ruộng, đánh rãnh thoát nước, quản lý tốt cỏ dại, diệt ốc bươu vàng…”.
Để bảo vệ năng suất, sản lượng lúa, giảm thiệt hại do rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá và những ảnh hưởng do mưa, bão gây ra cho lúa Thu đông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ đưa ra khung lịch xuống giống đợt 1, từ ngày 26-6 đến 2-7 (nhằm 21 đến 27-5 âm lịch); đợt 2, từ ngày 24 đến 30-7 (nhằm 19 đến 25-6 âm lịch).
Đối với các khu vực gieo sạ lúa Hè thu 2024 muộn do ảnh hưởng của hạn, mặn có thể gieo sạ lúa Thu đông trễ hơn nhưng phải đảm bảo né rầy, kết thúc trước ngày 31-8 (dương lịch) để tránh ảnh hưởng việc sản xuất vụ lúa Đông xuân 2024-2025.
Ngoài ra, nông dân chỉ bố trí xuống giống lúa vụ Thu đông 2024 ở các khu vực đảm bảo đê bao và chủ động được nguồn nước. Ông Đinh Văn Quân, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, chia sẻ: “Vụ này 3ha lúa của tôi áp dụng phương pháp cấy máy 80kg giống/ha và chọn canh tác OM 5451 để phù hợp với thời tiết. Năm nay thời tiết có phần bất lợi so mọi năm, mưa nhiều dịch hại dễ tấn công, may mắn là khu vực canh tác có trạm bơm giúp chủ động nguồn nước”.
Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân nên sử dụng giống lúa từ cấp xác nhận trở lên, mua giống có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng. Lựa chọn một số giống có khả năng chống chịu trong điều kiện bất lợi do thời tiết ở vụ Thu đông như OM 5451, OM 18, OM 7347. Sạ với lượng giống dưới 100kg/ha bằng các biện pháp như sạ hàng, sạ cụm hoặc cấy để hạn chế lúa đổ ngã, chống chịu tốt. Trong quá trình sản xuất cần thường xuyên gia cố bờ bao, cống, bọng, theo dõi thông tin dự báo thời tiết để chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra.
Theo ngành nông nghiệp, sau khi gieo sạ, nếu rầy nâu di trú vào ruộng, nông dân cần đưa nước ngập chảng ba cây lúa để hạn chế rầy chích hút, truyền bệnh và đẻ trứng. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng để giảm giá thành sản xuất. Tránh sử dụng thuốc trừ sâu, rầy ở giai đoạn trước gieo sạ và từ 0-40 ngày sau sạ để bảo tồn thiên địch trên đồng ruộng, hạn chế bộc phát dịch hại ở giai đoạn sau.
Sử dụng phân bón hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của lúa. Nên sử dụng phân đơn (đạm, lân, kali) thay thế phân hỗn hợp; sử dụng phân hữu cơ, lân nung chảy và vôi bón lót trước khi gieo sạ để giảm phân hóa học sử dụng, giúp cây lúa hạn chế bị ảnh hưởng do phèn, chất hữu cơ chưa phân hủy.
Những ngày qua, thời tiết diễn biến thất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh và sinh vật gây hại tấn công trên các trà lúa Thu đông. Cụ thể, ghi nhận 53ha bị ốc bươu vàng cắn phá, 12ha bị đạo ôn lá với tỷ lệ ảnh hưởng từ 5 đến 10%, chủ yếu gây hại ở giai đoạn mạ đẻ nhánh, làm đòng.
Ngoài ra, trong hệ sinh thái đồng ruộng còn xuất hiện rầy nâu, sâu cuốn lá, rầy phấn trắng, bọ trĩ, nhện gié, bệnh đốm vằn, bệnh vàng lá, bệnh cháy bìa lá, với mật số và tỷ lệ ở mức ghi nhận, gây hại không đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Huyền Nhung, Phó trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ, khuyến cáo: “Nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra mật số vi sinh vật gây hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Thực hiện sản xuất theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện, theo dõi, cập nhật thường xuyên các thông tin về diễn biến thời tiết để kịp thời áp dụng các biện pháp bảo vệ lúa hiệu quả. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quy trình canh tác lúa tiên tiến…”.
Theo HỒNG NHUNG (Báo Hậu Giang)