Du lịch sinh thái rừng ngập mặn nơi Đất Mũi

28/01/2023 - 08:47

Mũi Cà Mau nằm ở cực nam của Tổ quốc, thuộc xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Nơi đây không chỉ có cột mốc thiêng liêng mà còn hấp dẫn bởi hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng, mang đậm nét văn hóa miền tây sông nước. Khai thác hiệu quả những lợi thế này sẽ giúp phát triển du lịch vùng đất mũi và tỉnh Cà Mau.

A A

Khách du lịch tham quan rừng ngập mặn Cà Mau. (Ảnh LAN ANH)

Thức dậy từ sáng sớm, đoàn gồm sáu khách du lịch của anh Võ Văn Tuấn (trú tại huyện Ðức Trọng, Lâm Ðồng) rời thành phố Cà Mau, đi về điểm mốc cuối cùng của đất nước. Sau khi tham quan, chụp ảnh cột mốc, họ được các hướng dẫn viên Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau giới thiệu trải nghiệm khám phá rừng ngập mặn nơi đây. Ðoàn thuê một chiếc vỏ lãi (xuồng nhỏ) đi vào rừng ngập mặn. Chiếc vỏ lãi đưa đoàn khách đi xuyên rừng, dưới các tán cây đước, cây mắm với bộ rễ đặc biệt, mọc nhô lên trên mặt nước. Sau khoảng 30 phút, đoàn dừng chân tại bãi bồi đất mũi để du khách quan sát những đàn chim di trú, ngắm rừng cây bạt ngàn phía xa xa. "Ðã từng đi du lịch nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu tôi được khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú với nhiều loài động, thực vật đa dạng. Khí hậu nơi đây cũng rất trong lành, phong cảnh hoang sơ, mang đến một cảm giác rất thư thái, nhẹ nhàng"- anh Tuấn chia sẻ.

Ðoàn cũng tham quan các khu du lịch cộng đồng (homestay) nằm trong rừng ngập mặn. Du khách dùng bữa trưa với các loại hải sản đặc trưng như cá thòi lòi, cá lóc, ba khía, vọp... rồi những món như mắm ong, nhộng ong... Ðược biết, nhiều người đã lựa chọn ở lại qua đêm tại các phòng nghỉ để tìm hiểu cuộc sống của người dân Ðất Mũi. Ông Nguyễn Văn Ðua, một trong những người lái vỏ lãi nhiều kinh nghiệm cho biết, người dân ở đây vốn sống phụ thuộc vào thiên nhiên, với các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Kể từ khi Khu du lịch Mũi Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trở thành Khu du lịch quốc gia năm 2018, các tuyến du lịch xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã được mở để du khách tham quan rừng ngập mặn - bãi bồi; khám phá Giếng Trời - rừng nguyên sinh… Hệ thống sông ngòi chằng chịt với rừng đước bạt ngàn đã thật sự trở thành lợi thế hiếm có để khai thác du lịch. Người dân đã mở các homestay để đón khách, cuộc sống nơi đây cũng vì thế đổi thay từng ngày.

Mấy năm trước, gia đình ông Quách Văn Ngãi vẫn mưu sinh bằng các đầm tôm. Ðược chính quyền vận động làm du lịch, ông Ngãi tận dụng khu đất của gia đình, sắm sửa bàn ghế, đồ đạc, mở một nhà hàng nhỏ để phục vụ du khách. Cuộc sống dần khấm khá bởi lượng khách ngày một đông, hầu hết đều thích thú với các món ăn đậm chất dân dã mà vợ ông nấu. Phấn khởi, ông Ngãi quyết định "chơi lớn", xây thêm các phòng nghỉ để khách ở lại qua đêm. "Ban đầu nói chuyện làm du lịch, gia đình chưa biết cụ thể phải làm những gì. Sau một thời gian thì quen việc, vợ chồng tôi lại chịu khó học hỏi cách làm ở những nơi khác. Các phòng nghỉ của chúng tôi hiện rất đông khách hỏi thuê. Ai cũng thích ở trong những căn phòng được bao quanh bởi nhiều loài cây và không gian sông nước tĩnh lặng. Ngoài ra, chúng tôi kết hợp với các hộ khác để khách có thể tìm hiểu, khám phá cuộc sống về đêm của người dân địa phương và tham gia các hoạt động như bắt ba khía…", ông Ngãi cho biết.

Theo Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, rừng ngập mặn Cà Mau có tổng diện tích lên đến hơn 63 nghìn héc-ta, trải dài từ tuyến ven biển Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) đến các huyện Trần Văn Thời, Phú Tân, Ðầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển. Phần lớn diện tích rừng ngập mặn thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, che phủ cả một vùng rộng lớn, với các loài cây đặc hữu như đước, mắm, vẹt, sú, dá, dừa nước… tạo môi trường thuận lợi cho quần thể động vật cư ngụ, sinh trưởng. Hệ động vật phong phú về giống, loài như cua biển, tôm sú, tôm thẻ bạc, sò huyết; cá ngát, cá dứa, cá nâu, cá kèo, cá đối, thòi lòi… và nhiều loài bò sát như kỳ đà, hổ mang, hổ đước, trăn gấm, đẻn cá cùng hàng trăm loài chim. Chính sự hấp dẫn đó đã thu hút nhiều du khách trải nghiệm tua du lịch xuyên rừng ngập mặn. Vào thời điểm nghỉ lễ, hàng nghìn lượt khách chọn loại hình du lịch này. Tua xuyên rừng tại Ðất Mũi đã được đầu tư để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu khách tham quan và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá hiện có gắn với bản sắc văn hóa của địa phương nhằm phát triển du lịch bền vững.

Một góc rừng ngập mặn Mũi Cà Mau.

Ðể phát triển du lịch sinh thái, UBND tỉnh Cà Mau đã xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng tốt tiềm năng, thế mạnh của vùng đất ngập nước, sở hữu hệ động thực vật phong phú mang đặc trưng của rừng ngập mặn. Chị Nguyễn Thị Thu Trang, hướng dẫn viên du lịch của một công ty lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết du khách đến đây đều rất thích thú với các trải nghiệm rừng ngập mặn mang những nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cà Mau. Bên cạnh đó, địa phương chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và các phương tiện di chuyển để du khách có thêm cơ hội trải nghiệm được vẻ đẹp của khu rừng và thưởng thức nhiều món ăn đặc sản vùng đất mũi.

Mặc dù đã và đang được khách du lịch đón nhận, nhưng đại diện các công ty lữ hành cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần được chính quyền địa phương làm tốt hơn nữa. Hiện nay, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa thật sự sáng tạo trong xây dựng tua du lịch. Hoạt động trải nghiệm còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ. Việc liên kết du lịch sinh thái rừng ngập mặn ở tỉnh Cà Mau với du lịch cả nước, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế. Anh Hoàng Linh, du khách đến từ thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) chia sẻ: "Ðến với đất mũi Cà Mau, ban đầu tôi chỉ dự định ghé thăm, chụp ảnh ở cột mốc mà không biết ở đây có tua khám phá rừng ngập mặn. Việc thông tin, quảng bá còn hạn chế, khiến nhiều người không biết ở Ðất Mũi còn có loại hình du lịch này. Việc tham quan, trải nghiệm còn khá đơn sơ, tuy mang tính đặc thù của vùng sông nước nhưng có ít hoạt động khám phá, chủ yếu là đi vỏ lãi, ca-nô ngắm cảnh. Hầu hết các khu du lịch do các hộ dân tự khai thác, tính chuyên nghiệp chưa cao. Hy vọng lần tới, khi trở lại nơi đây, chất lượng dịch vụ sẽ được nâng cao".

Có tài nguyên thiên nhiên độc đáo, nhưng du lịch hệ sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau chỉ phát triển mạnh mẽ và bền vững nếu các cấp chính quyền cùng nhân dân và các doanh nghiệp du lịch phối hợp, tận dụng tối đa lợi thế này, mở các dịch vụ du lịch khám phá chất lượng, mang lại những trải nghiệm thú vị và mới lạ, đồng thời quảng bá hiệu quả các sản phẩm du lịch đến với du khách trong nước và nước ngoài.

Theo HOÀNG PHAN (Báo Nhân Dân)