Duyên dáng chiếc nón lá miền Tây Nam bộ

01/02/2023 - 09:33

Nét đặc trưng trong trang phục của người phụ nữ miền sông nước Cửu Long giang ngoài chiếc áo bà ba, chiếc khăn rằn choàng cổ, người ta không thể không nhắc đến chiếc nón lá.

A A


Dân gian có câu ca ví von rằng:

"Tròng trành như nón không quai/ Như thuyền không lái như ai không chồng".

Khác với xứ Huế có chiếc nón Bài thơ bằng lá buông và dây thao, người dân ở miền Tây Nam bộ này chọn loại lá mật cật và cây trúc làm nguyên liệu chính để làm nón. Lá mật cật là loại cây có lá xòe rộng như lá cọ, mọc nhiều ở Tây Ninh, Phú Quốc, Cà Mau,… Thân cây nhỏ và thấp, mọc thành từng đám hoặc bụi, hai bên cọng của tàu lá đầy gai nhọn.

Mỗi cây mật cật chỉ có một lá non và được người ta chọn để làm nón. Muốn làm nón, người ta cần có cái khung chằm hình chóp có kích thước bằng chiếc nón lá mà dân gian miệt đất Chín Rồng thường gọi là cái mô (khuôn). Trước đây mô có 15 vành. Sau thập niên 80 của thế kỷ XX, thị hiếu của người đồng bằng thay đổi. Họ bắt đầu chuộng nón lá kiểu xứ Huế có 16 vành.

Thân thương nón lá miền Tây (Ảnh: Minh Thương)

Vật liệu để làm ra chiếc nón lá ngoài lá mật cật còn phải dùng kim may tay có mũi lớn, chỉ màu, dây gân, giấy báo dùng để lót nón và các nan nón được vót từ trúc. Khác với cách làm nón lá ở Tây Ninh là vừa chằm vừa gác nan tre lên khuôn để làm sườn nón lá. Ở Cần Thơ, Cà Mau, người thợ sẽ kiềng vành lên mô nón trước rồi kế đến là kết lá. Bước kế tiếp là xoay lá trên khuôn. Công đoạn này, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới xoay lá đều, đẹp: Đầu tiên là xoay lớp lá bên trong trước, rồi đến lớp giấy báo, cuối cùng là xoay lớp lá bên ngoài. Sau khi xoay đầu nón xong, người thợ sẽ dùng một cái vành, chụp lên bên ngoài mô để giữ cho lá nằm cố định, giúp người chằm được dễ dàng.

Chằm nón là dùng các kim may cho đều là được. Cuối cùng là nức vành, người làm nón sẽ vót một cọng nan có thân dẹp gọi là cây tiến, cặp vào vành nón phía dưới cùng rồi dùng dây gân nứt lại cho cứng. Làm vậy cho vành nón được tròn và chắc chắn, nón sử dụng được lâu bền. Ngoài ra, người thợ còn trang trí bên trong của chóp nón bằng chỉ thêu màu đỏ, xanh, hồng,... hình ngôi sao hay hình cái bông để tăng thêm nét đẹp cho sản phẩm của mình.

Người phụ nữ miền sông nước với chiếc nón lá che nắng, che mưa (Ảnh: Minh Thương)

Với chiếc nón lá trên đầu, ngoài chức năng che mưa che nắng, nhiều khi trời nóng nực, đi giữa đường kiếm gốc cây ngồi nghỉ chân thì chiếc nón lại thay cây quạt đem lại cho người luồng gió mát rượi. Cấy cày ngoài đồng trở về, tranh thủ hái thêm mớ rau để làm bữa ăn, chiếc nón lại trở thành vật đựng thay cho rổ, rá hết sức tiện lợi.

Chiếc nón lá tình tự đã đi vào ca dao ngỏ lời vừa có duyên vừa tế nhị khi người ta để ý làm quen:

"Ớ này cô mặc áo nâu/ Đầu đội nón lá, đi đâu vội vàng?"

Và cũng từ đây biết bao trai gái đã nên duyên chồng vợ mặn nồng tình nghĩa và thủy chung như chiếc nón quê mùa.

Chiếc nón lá cũng đi vào nghệ thuật xếp hình đặc biệt là làn điệu múa nón khiến lòng người xem ngất ngây như thấy tái hiện đâu đây bóng hình của tiền nhân ngày mở cõi.

Theo Dân Việt