Giải pháp hiệu quả để Cần Thơ phát triển đô thị thông minh

14/08/2022 - 09:52

TP Cần Thơ đã thí điểm triển khai Trung tâm điều hành đô thị thông minh và 8 dịch vụ đô thị thông minh; một số ngành, lĩnh vực đang thực hiện các thủ tục triển khai về hạ tầng và nền tảng đô thị thông minh, giao thông thông minh, an ninh trật tự, y tế, giáo dục thông minh…

A A

Mới đây, tại Hội thảo "Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030", do UBND TP Cần Thơ phối hợp Viện Kinh tế và quản lý TP Hồ Chí Minh tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp đã đề xuất giải pháp, công nghệ mới để Cần Thơ phát triển đô thị thông minh thời gian tới.

Cần Thơ đang tích cực xây dựng đô thị thông minh với 10 lĩnh vực trọng điểm, trong đó có giao thông thông minh. 

Yêu cầu cấp thiết

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Ðây là cơ sở nền tảng để TP Cần Thơ phát triển trở thành trung tâm vùng ÐBSCL và trở thành đô thị thông minh, thúc đẩy chuyển đổi số của thành phố.

Lãnh đạo TP Cần Thơ luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi số. Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11-4-2017 về xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025. UBND thành phố ban hành Quyết định số 1652/QÐ-UBND ngày 2-8-2021 phê duyệt Ðề án Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, xác định rõ lộ trình, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện; trong đó tập trung vào 10 lĩnh vực trọng điểm.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Với những lợi thế về kinh tế - xã hội và là trung tâm vùng ÐBSCL, trung tâm giao thương của vùng, đòi hỏi Cần Thơ phải đi nhanh, đi trước trong việc khai thác tiềm năng thế mạnh. Do đó, phát triển thành đô thị thông minh là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Triển khai thực hiện Ðề án đô thị thông minh, TP Cần Thơ bước đầu đã thí điểm triển khai Trung tâm điều hành đô thị thông minh và 8 dịch vụ đô thị thông minh, một số quận huyện đã thực hiện các trung tâm điều hành giám sát giao thông, an ninh trật tự. Hiện nay, một số ngành đang thực hiện các thủ tục triển khai về hạ tầng và nền tảng đô thị thông minh, giao thông thông minh, an ninh trật tự, y tế, giáo dục thông minh…

Đề xuất các giải pháp hiệu quả

Tại hội thảo "Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030", lãnh đạo thành phố và các sở, ban ngành trao đổi, tương tác với các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ để bàn các giải pháp, công nghệ mới áp dụng vào thực tiễn phát triển đô thị thông minh cho thành phố thời gian tới. Các chuyên gia đã chia sẻ giải pháp chính phủ số nền tảng - sự cần thiết để xây dựng đô thị thông minh; nền tảng dữ liệu xây dựng chính quyền số và quản lý đô thị thông minh... Ðồng thời đưa ra các giải pháp về xây dựng đô thị thông minh - xã hội thông minh...

Cần Thơ đã và đang xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung thuộc sự quản lý của các sở, ban, ngành thành phố trong lĩnh vực thiết yếu với cuộc sống người dân. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, điều kiện tiên quyết là chính quyền thành phố phải xây dựng thành công nền tảng tích hợp để dữ liệu có thể được chia sẻ nhanh chóng, thuận tiện nhất giữa các hệ thống thông tin hợp nhất của các sở, ban, ngành trong toàn thành phố.

Ông Cao Hoàng Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ðầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI, chia sẻ về nền tảng lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn toàn diện VLAKE. Ðây là nền tảng công nghệ mới do FSI đầu tư nghiên cứu và phát triển dựa trên 15 năm kinh nghiệm triển khai hàng ngàn dự án lớn ở các bộ, ban, ngành và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực khai thác dữ liệu. VLAKE cho phép xử lý song song với lượng dữ liệu lớn và tốc độ cao. Các tác vụ được chia nhỏ và xử lý song song trên các máy tính vật lý giúp hệ thống xử lý được các loại dữ liệu lớn với tốc độ cao. Nhờ công nghệ kết nối linh hoạt, VLAKE cho phép tạo các Data Warehouse (kho dữ liệu) dễ dàng, nhanh chóng, không cần lập trình lại và không phụ thuộc vào các đơn vị phát triển phần mềm, hệ thống hiện tại. VLAKE cũng cung cấp công cụ xử lý trực quan, không yêu cầu những thao tác phức tạp về cài đặt cấu hình, điều chỉnh và quản trị.

"FSI sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới (Trí tuệ nhân tạo, IoT) để xây dựng hệ sinh thái giải pháp chuyển đổi số, lấy dữ liệu làm trung tâm toàn diện, từ tạo dựng dữ liệu, lưu trữ và xử lý dữ liệu đến áp dụng kết quả của dữ liệu vào các công đoạn nhằm hỗ trợ lãnh đạo cơ quan, tổ chức có thể đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác" - ông Cao Hoàng Anh cho biết.

Bà Bùi Thị Hải Yến, Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel cũng chia sẻ về hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thuộc phần mềm giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số. Hệ thống được vận hành vào năm 2016 và được Tổng cục Ðường bộ Việt Nam đưa vào sử dụng trên toàn quốc từ ngày 1-1-2017. Hệ thống đối với cơ quan quản lý nhà nước quản lý, điều hành giao thông vận tải chính xác và tức thời; quy hoạch cho sự phát triển chất lượng và an toàn của ngành giao thông vận tải; nâng cao hiệu quả sử dụng công trình và quản lý duy tu bảo dưỡng; tăng cường nguồn thu và hiệu quả ngân sách. Ðồng thời giúp doanh nghiệp và đơn vị quản lý vận tải tối ưu nguồn lực và kiểm soát chi phí; nâng cao hiệu quả quản lý điều hành doanh nghiệp và nhân viên... Với Cần Thơ và ÐBSCL, Hanel sẵn sàng cung cấp dịch vụ quản lý giao thông thông minh được cập nhật chi tiết theo đặc thù riêng của địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã…), đây cũng là một thành phần không thể thiếu của thành phố thông minh.

Tại hội thảo, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ yêu cầu các ngành, địa phương chủ động phối hợp trao đổi với các chuyên gia về thực trạng, khó khăn, vướng mắc và mục tiêu hướng tới để xác định lộ trình, giải pháp, hành động có thể triển khai thực hiện ngay. Thành phố rất mong các nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ số tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Cần Thơ trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số của thành phố thời gian tới.

Theo ANH KHOA (Báo Cần Thơ)