Mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển ở tỉnh Bạc Liêu.
Phát huy tiềm năng sản xuất
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hằng năm cả nước có khoảng 600.000ha diện tích nuôi tôm sú và khoảng 150.000ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Trong đó, sản lượng tôm sú thu hoạch khoảng 300.000 tấn, tôm thẻ chân trắng thu hoạch khoảng 700.000 tấn. Tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh ở vùng ÐBSCL và đóng góp rất quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Các vùng nuôi chính tập trung ở các tỉnh ÐBSCL, trong đó có 5 tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang.
Trong 2 thập kỷ qua, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới. Hằng năm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương khoảng 4 tỉ USD. Hiện tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia, trong đó 5 thị trường lớn nhất gồm: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành một trong những nước cung cấp tôm hàng đầu thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Ðặc biệt ÐBSCL là nơi chiếm 95% sản lượng tôm và cũng là trung tâm của các nhà máy chế biến tôm. Cho đến nay, có khoảng 200 nhà máy chế biến tôm được Ủy ban châu Âu phê duyệt với các cuộc kiểm tra thực địa định kỳ ngay tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ngành tôm đang đối mặt nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, chất lượng giống, phương thức nuôi chưa hiệu quả, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh... Ông Ngô Tiến Chương - Trưởng nhóm Thủy sản thuộc Tổ chức Hợp tác Quốc tế Ðức - GIZ, cho biết, nhu cầu thủy sản toàn cầu đang tăng nhanh, các phương pháp sản xuất truyền thống không thể đáp ứng nhu cầu này nếu sản xuất tôm tại Việt Nam, cụ thể là ÐBSCL, không thay đổi... Do đó đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật nuôi trồng tiến bộ rất cần để hướng tới sản xuất, nuôi tôm hiệu quả, bền vững hơn, trách nhiệm cao hơn với môi trường và xã hội.
Cũng theo ông Ngô Tiến Chương, các thách thức với ngành tôm Việt Nam hiện nay là tỷ lệ thành công vụ nuôi thấp, chỉ hơn 40% (trong khi ở Ecuador là 65%); chi phí sản xuất cao hơn các nước trong nhóm đầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tại vùng ÐBSCL thấp nhất cả nước; việc liên kết sản xuất còn bất cập; sản phẩm giá trị gia tăng thấp… Còn bà Châu Thị Tuyết Hạnh - Phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản, cho biết: Phế, phụ phẩm của thủy sản mỗi năm thải ra từ 1,3-1,5 triệu tấn, trong đó riêng tôm từ 400.000-500.000 tấn. Tuy nhiên, hoạt động chế biến, tái sử dụng phụ phẩm ngành tôm chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia, giá trị gia tăng chưa cao so với tiềm năng. Hoạt động này cần khắc phục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái chế, sử dụng phụ phẩm từ khâu nuôi trồng, sản xuất, chế biến xuất khẩu…
Phát triển an toàn, bền vững
Ðể đạt được kết quả cao trong nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu, nhiều năm qua, ngành tôm Việt Nam đã phát triển cả về quy mô và quản lý kỹ thuật, năng lực về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, quản lý các tác động môi trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng bắt đầu từ trại sản xuất giống, nhà máy thức ăn chăn nuôi, trại nuôi và nhà máy chế biến đến xuất khẩu thông qua các kho lạnh hiện đại. Bằng chứng đáng tin cậy nhất cho thấy nuôi tôm tại Việt Nam vừa an toàn vừa bền vững đó là các chương trình chứng nhận ngày càng tăng của các tổ chức chứng nhận quốc tế về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt bao gồm BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất), Global GAP và ASC (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản). Ðể đạt được các chứng nhận này, các trang trại phải được xây dựng và vận hành dựa trên các tiêu chí: tuân thủ pháp luật; bảo tồn môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học; bảo tồn tài nguyên nước; bảo tồn sự đa dạng của các loài và quần thể tự nhiên; sử dụng có trách nhiệm nguồn thức ăn và các nguồn tài nguyên khác…
Với mục tiêu kiến tạo các chuỗi giá trị ngành hàng tôm ở các địa phương đạt hiệu quả, Dự án "Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững (i4Ag) và Tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn" vừa được GIZ hợp tác cùng các bên liên quan triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo, giúp bảo vệ hệ sinh thái và xây dựng một tương lai phát triển bền vững cho ngành tôm tại ÐBSCL. Mới đây, tại lễ khởi động dự án, ông Ðào Trọng Hiếu - Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Phụ phẩm tôm chủ yếu phục vụ chăn nuôi (chiếm tới gần 70%), chỉ hơn 15% phục vụ cho công nghiệp thực phẩm, chưa tới 2% cho y dược... Phụ phẩm tôm được chế biến ra sản phẩm chăn nuôi sẽ có giá trị cao hơn từ 3-5 lần chế biến thô; tương tự trong thực phẩm sẽ cao hơn 5-10 lần, thực phẩm chức năng từ 15-20 lần và đặc biệt trong dược phẩm lên tới 20-30 lần. Sản phẩm chế biến từ phụ phẩm tôm có tới 80-90% tiêu thụ trong nước, xuất khẩu chỉ 10-20% sang các nước châu Á (Trung Quốc, Thái Lan). Ðiển hình, năm 2021 doanh thu từ các sản phẩm từ phụ phẩm tôm mang về gần 4.000 tỉ đồng, nếu tận dụng tốt có thể cao hơn rất nhiều, thậm chí có thể mang về cả tỉ USD. Do đó, phụ phẩm tôm cần được xem như chính phẩm, thậm chí giá trị còn cao hơn. Cùng đó, có thể áp dụng một số giải pháp như đầu tư hạ tầng đồng bộ; kết nối chuỗi cung ứng, chế biến phụ phẩm gắn với các cơ sở chế biến chính phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp trang thiết bị thu gom, phân loại, sơ chế, bảo quản và phân phối, tiêu thụ phụ phẩm tôm… Ông Ðào Trọng Hiếu đề xuất đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tái chế, sản xuất phụ phẩm tôm thành các sản phẩm giá trị gia tăng sử dụng trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thực phẩm, y dược và mỹ phẩm. Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải, mùi hôi trong các cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến phụ phẩm tôm…
Ông Ngô Tiến Chương, Trưởng nhóm Thủy sản GIZ, cũng giới thiệu 3 giải pháp đổi mới sáng tạo đang được Dự án i4Ag triển khai thí điểm tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau. Ðó là hệ thống nuôi tôm thâm canh tuần hoàn khép kín (RAS), giúp tiết kiệm và kiểm soát chất lượng nước, giảm thiểu bệnh dịch, nâng cao năng suất và giảm tác động tiêu cực đến môi trường; mô hình nuôi tôm - rừng cải tiến, giúp nâng cao tỷ lệ sống của tôm giống thả nuôi bằng ương dưỡng, cải thiện chất lượng nước và thức ăn tự nhiên để nâng cao năng suất; giải pháp cải thiện chất lượng nước, nâng cao chất lượng tôm giống và an toàn sinh học… Dự án này phát huy hiệu quả sẽ tiếp tục nhân rộng tại các tỉnh nuôi tôm nước lợ ÐBSCL.
Theo HÀ VĂN (Báo Cần Thơ)