Du khách thích thú khi được ngồi trên xuồng, thưởng thức khung cảnh rừng ngập mặn bên cạnh gốc đước.
Ông Lê Minh Tỵ (Tư Tỵ), chủ nhân điểm du lịch, kể: “Lúc ba vợ tôi về đây khoảng trước năm 1980 là bắt đầu khai khẩn đất hoang, được Nhà nước giao khoán đất rừng tới nay. Lúc ấy khi khai thác rừng, cây này không thể cắt được vì tán quá rộng cùng với bộ rễ rất lớn, khó trong việc di chuyển. Bà con ở xóm khuyên giữ lại làm giống, đến khi có trái sẽ rụng xuống, tiện cho việc trồng rừng sau này”. Và cứ thế tán đước ấy vẫn ở đó cùng với gia đình ông Tư Tỵ, trở thành một nơi trong tour tuyến để khai thác tiềm năng du lịch của quê hương.
Hiện tại, hệ sinh thái rừng đước nơi đây được sinh trưởng và phát triển từ trái của cây đước ấy. Trong 9 ha vuông rừng thì có khoảng 7 ha được ông Tư Tỵ giữ gìn, không khai thác, hiện trở thành rừng nguyên sinh đảm bảo giữ lại hệ sinh thái ngập mặn vốn có.
“Vô tình giữ lại cây thôi, ai ngờ là điểm để làm du lịch. Khi tôi về đây làm du lịch, khoảng năm 2018, tôi đã nhận ra gốc đước đặc biệt này và dần có tình cảm với nó. Khi đưa vào khai thác du lịch, tôi vẫn giữ nguyên hiện trạng, chủ yếu đóng những chiếc cầu nhỏ để du khách có thể đi xung quanh cây đước chụp ảnh, nghỉ chân… Tán đước rộng nên du khách có thể ngồi hoặc leo lên thân đước, ai cũng vô cùng hứng thú. Hồi trước dịch cũng có nhiều đoàn lưu diễn văn nghệ về đây để quay những thước phim bên gốc đước, giới thiệu về quê hương Cà Mau…”, ông Tư Tỵ tâm đắc.
Dưới tán đước mát rượi, du khách thưởng thức các món ăn dân dã, đặc sản của Đất Mũi.
Theo ông Tư Tỵ, giống cây đước này là giống đước bụi, có thân to, tán to, rất thích hợp trồng ở vùng ngập mặn. Riêng gốc đước đặc biệt, thân được phân ra riêng 11 cây đước (toàn bộ cây có chiều cao hơn 10 m). Thông thường cây đước khi đạt đến 16 năm tuổi thì cây không còn cao nữa mà chỉ phần thân (hoành) tiếp tục to ra, tạo thành tán rộng. Những cây đước xung quanh cây đước lớn có tuổi đời khoảng 20 năm, được sinh sản từ cây đước lớn, khoảng 2-3 năm gia đình sẽ tỉa nhánh 1 lần để cây dễ vươn mình phát triển.
Nối gót cha mình, anh Lê Trung Nguyên (con ông Tư Tỵ) luôn trăn trở làm sao bảo vệ và tiếp tục trồng, bảo tồn đước. “Cây đước có tuổi đời khoảng 7 năm thì có trái xum xuê, trái đước từ khi ra hoa đến trưởng thành mất khoảng 6 tháng cho đến khi trái đước rụng, vì thế, để tạo một hệ sinh thái rừng đước là cả một quá trình. Có nhiều du khách đến đây chưa qua giới thiệu đã biết “danh” về gốc đước nên họ yêu cầu mình thực hiện chuyến tham quan, dần dần gốc đước được nhiều người biết đến, du khách nào xem cũng thấy lạ và thích thú”, anh Nguyên chia sẻ.
Cũng nhờ hệ sinh thái rừng đước mà việc nuôi tôm hết sức thuận lợi. Cây đước là nơi để cho tôm, cua, cá có chỗ trú ngụ, phát triển. Tán cây rộng cũng là nơi làm tổ của các loài chim, một số loài bò sát… Riêng khu vực gốc đước lớn có bộ rễ xoè rộng, một số loài hải sản trú ẩn nhiều, đây cũng là nơi để du khách trải nghiệm giăng lưới, mò cua, dỡ lọp cua…
Chị Lê Thị Trà My, xã Viên An Đông, thường đến chiêm ngưỡng gốc đước của quê hương.
Bà Lê Thị Lan, du khách từ TP Hồ Chí Minh, tâm tình: “Đi một vòng từ xứ tràm đến vùng đất ngập mặn mới thấy hết được vẻ đẹp thiên nhiên và con người Cà Mau. Đến được điểm dừng chân Tư Tỵ cũng như đã chạm mốc được vùng đất cuối trời. Tại đây chúng tôi không chỉ được thoả thích câu cá thòi lòi, đặt rập cua… mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của gốc đước lớn như thế, đây cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy. Tôi sẽ trở lại khám phá nơi này trong thời gian không xa”.
Cây đước gần gũi và thân quen với người dân Đất Mũi, là người con của quê hương, ông Tư Tỵ rất tự hào về cây đước. Từ thời chiến đến thời bình, cây đước vẫn sừng sững hiên ngang. “Việc gìn giữ hệ sinh thái rừng đước cũng chính là bảo vệ ngôi nhà chung của mình. Riêng gốc đước đặc biệt này, tôi dự định sẽ xây cầu ra đến nơi; làm một số chiếc thuyền nhỏ để du khách tự mình giăng lưới rồi nướng hải sản thưởng thức bên cạnh gốc đước… Làm sao cho du khách trải nghiệm chân thực nhất”, ông Tư Tỵ dự tính./.
Theo NHẬT MINH (Báo Cà Mau)