Hai nghệ nhân Hát bội nhỏ tuổi ở Vĩnh Long.
Theo Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, nghệ thuật Hát bội có ở Vĩnh Long từ thế kỷ XIX và phát triển mạnh vào đầu thế kỷ XX. Hát bội nhanh chóng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Hát bội gắn liền với tín ngưỡng Thần hoàng bổn cảnh, thường được biểu diễn tại Lễ hội Kỳ yên Thượng điền và Hạ điền. Giá trị của nghệ thuật Hát bội thể hiện chất bi hùng ở lời ca, sự điêu luyện của vũ đạo, của diễn xuất và nghệ thuật hóa trang. Di sản Hát bội là kho tàng nghệ thuật truyền thống quý báu, loại hình nghệ thuật mang bản sắc riêng của dân tộc.
Tỉnh Vĩnh Long hiện nay còn Gánh Hát bội Đồng Thinh đang hoạt động, do Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Văn Răng (tức Bầu Răng) làm bầu gánh. Vĩnh Long có 11 nghệ nhân được công nhận là Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Dấu ấn nổi bật nhất của Hát bội Vĩnh Long là vào năm 2007, Gánh Hát bội Đồng Thinh được mời tham gia biểu diễn tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, nhân Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian với chủ đề “Mekong - Dòng sông kết nối các nền văn hóa” do Viện Smithsonian tổ chức, trong khuôn khổ chương trình Liên hoan Nghệ thuật dân gian thế giới và được khán giả quốc tế đón nhận nồng nhiệt. Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm là trưởng nhóm nghệ nhân Hát bội sang Hoa Kỳ biểu diễn lần đó, nhớ lại: Khi đoàn diễn trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” trên sân khấu, khán giả chăm chú xem và cổ vũ rất nhiệt tình, thích thú. Đó là lần đầu tiên đoàn được xuất ngoại. Một dấu ấn nữa là vào năm 2010, Hát bội Vĩnh Long được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời biểu diễn nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhằm góp phần khẳng định sự tồn tại và giá trị nghệ thuật Hát bội của dân tộc.
Hiện nay, một trong những người tâm huyết và miệt mài với di sản Hát bội Vĩnh Long là Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm. Dù đã ở tuổi U70 nhưng ông vẫn hết mình, nhiệt huyết trên sân khấu, vẫn tròn vai “vương, tướng” trong các vở tuồng kinh điển. Đặc biệt, ông còn tâm huyết trao truyền cho hàng chục con, cháu theo nghề và giữ nghiệp tổ tiên. Gánh hát gia đình này hiện diễn phục vụ ở nhiều nơi, nhất là ở Kỳ yên các đình và phục vụ du lịch. Nhiều người cháu của ông như Diễm Hằng, Huy Hoàng… hiện đã trở thành đào, kép vững vàng trên sân khấu, là lực lượng kế thừa đáng tin cậy trong thực hành di sản.
Với việc được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghệ thuật Hát bội Vĩnh Long sẽ được bảo tồn và phát triển tốt hơn, góp phần làm cho văn hóa Vĩnh Long thêm bản sắc và hội nhập.
Theo DUY KHÔI (Báo Cần Thơ)