Tòa xét xử một vụ án liên quan đến tranh chấp hợp đồng.
Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp người dân có đất đai, nhà cửa bỗng chốc vướng vào kiện tụng vì vướng vào giao dịch vay mượn, nhưng lại ký hợp đồng chuyển nhượng, ủy quyền tặng cho tài sản, để rồi đến khi mất tài sản mới làm đơn khởi kiện thì đã quá muộn.
Đơn cử, 2 năm qua, bà N.T.H., ngụ huyện Châu Thành A gửi đơn đến nhiều cơ quan để mong lấy lại được tài sản đã mất sau khi bà vay tiền, nhưng lại ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hầu như không ai có thể giúp bà, vì “bút sa, gà chết”.
Bà H. kể, vào năm 2010, vợ chồng bà mua được thửa đất với diện tích hơn 200m2 tại huyện Châu Thành A. Sau khi chồng mất, do thiếu tiền nên năm 2020, bà vay mượn của ông K., cùng địa phương số tiền 400 triệu đồng. Trong quá trình vay mượn, ông K. yêu cầu bà phải ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm tin.
Ngờ đâu, sau bản hợp đồng đó, ông K. đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình và yêu cầu bà H. phải bàn giao đất. Mất tài sản khiến bà H. chạy đôn chạy đáo nhiều nơi để kiện tụng, nhưng trên giấy tờ thể hiện là giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nên các cấp tòa án xử bà thua kiện.
Trường hợp ông N., ngụ ấp Phú Lợi A, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo ông N., vào tháng 7-2006, mẹ ông bị bệnh nặng nhưng không có tiền chạy chữa, nên ông hỏi mượn của bà C. với số tiền là 20.000.000 đồng. Thời điểm mượn tiền, để làm tin, bà C. giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 1.098m2 đất lúa và 310m2 đất ở tại nông thôn của gia đình.
Sau khi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà C. đưa trước 13.000.000 đồng cho ông N. vào ngày 13-7-2006. Đến ngày 17-8-2006, bà C. đưa thêm 7.000.000 đồng và đề nghị viết “Hợp đồng vay tiền và chuyển nhượng tài sản”. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền từ bà C., gia đình ông N. nhiều lần có ngụ ý muốn trả, nhưng do bà C. không ở tại địa phương, nên gia đình ông mất liên lạc với bà này.
Bẫng đi thời gian dài, đến đầu năm 2023, ông N. bất ngờ phát hiện thửa đất hiện tại của gia đình mình đã được cập nhật tên bà C. Từ đó, bà yêu cầu gia đình ông N. giao trả đất hoặc thanh toán 270.000.000 đồng tiền gốc cộng lãi thì sẽ trả đất cho ông N.
Theo ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, hợp đồng giả cách hay giả tạo thực chất là một loại hợp đồng mà các bên thực hiện nhằm che giấu một quan hệ dân sự khác. Trong đó, đa số là các hợp đồng giao dịch mua bán nhà, đất để che giấu giao dịch vay tài sản.
Bởi thông thường, những người vay tiền không có ý định chuyển nhượng tài sản mà chỉ dùng tài sản để đảm bảo khoản vay, nhưng vì muốn vay được tiền nên chấp nhận ký vào hợp đồng chuyển nhượng tài sản.
Cũng có nhiều trường hợp do không đọc kỹ hợp đồng, không am hiểu pháp luật, nên không lường trước được hậu quả của việc ký kết, dẫn đến bản thân đã ký vào hợp đồng chuyển nhượng tài sản để vay tiền. Chỉ một thời gian sau, tài sản đã bị sang tên người cho vay thì người vay mới phát hiện và làm đơn khởi kiện ra tòa.
Còn theo luật sư Hồ Quốc Thanh, Đoàn Luật sư tỉnh, các vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng giả cách rất khó giải quyết cả trên phương diện lý luận, cũng như thực tiễn. Đặc biệt, trong hoạt động cho vay, bên vay tài sản thường không được phép giữ các loại giấy tờ giao dịch nên việc chứng minh một hợp đồng giả cách hay không là rất phức tạp và khó khăn.
Trong một số trường hợp, các bên đã thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với hoạt động mua bán tài sản, thể hiện có sự đồng thuận của đôi bên trong việc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản thì càng khó khăn hơn trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến loại vụ việc này.
Do đó, luật sư Thanh cho rằng, mỗi cá nhân, tổ chức khi ký các hợp đồng cần thận trọng tìm hiểu kỹ, tránh rơi vào trường hợp bất lợi, mất tài sản hoặc có thể bị vướng vào vi phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt và tránh rơi vào “bẫy” của các giao dịch bằng hợp đồng giả cách.
Theo B.B (Báo Hậu Giang)