Hoạt động xúc tiến thương mại đã thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP Hậu Giang.
Quan tâm mở rộng thị trường
Chi cục Chất lượng, Chế biến, Thị trường và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang đã và đang thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để tiếp cận các thị trường mới, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Theo kế hoạch, Chi cục đã tổ chức 2 đợt xúc tiến thương mại trong năm 2024 với sự tham gia của 12 hợp tác xã và doanh nghiệp có các sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao và 4 sao. Các sản phẩm này được trưng bày tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. Nhờ vào những đợt giới thiệu sản phẩm trực tiếp tại các hội chợ, triển lãm, những sản phẩm chủ lực của tỉnh như cá thát lát, lươn, trà mãng cầu, gạo, chanh không hạt, mít, sầu riêng… đã nhận được sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp đối tác. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã ký kết bao tiêu sản phẩm, mở ra cơ hội tiêu thụ lâu dài cho sản phẩm OCOP Hậu Giang.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang không chỉ được biết đến nhiều hơn tại thị trường phía Bắc, mà còn có cơ hội vươn tới các thị trường quốc tế, nhất là Trung Quốc. Đây là một thị trường rộng lớn với nhu cầu cao về nông sản, đặc biệt là các sản phẩm như mít, sầu riêng, gạo và lươn. Việc mở rộng sang thị trường Trung Quốc hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu lớn cho các sản phẩm OCOP tại địa phương.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến, Thị trường và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch hỗ trợ các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng chuỗi nông sản sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến như G.A.P, HACCP, ISO, BRC, HALAL,… nhằm nâng cao chất lượng và uy tín của sản phẩm OCOP, gia tăng giá trị gia tăng để có thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng cao của thị trường.
Nhiều kết quả đạt được
Theo thống kê từ Văn phòng điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, Hậu Giang hiện có 284 sản phẩm chủ lực của các địa phương được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 92 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao, còn lại là các sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Những con số này cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp và hợp tác xã trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu OCOP của tỉnh.
Trong số các địa phương, huyện Phụng Hiệp nổi bật với 42 sản phẩm từ 17 chủ thể, trong đó Hợp tác xã Kỳ Như là đơn vị có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất với 11 sản phẩm được chế biến từ cá thát lát - đặc sản nổi bật của địa phương. Ngoài ra, thành phố Vị Thanh dẫn đầu với 48 sản phẩm, là địa phương có số lượng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cao nhất so với các huyện, thành phố và thị xã khác. Các huyện như Châu Thành, Châu Thành A, Vị Thủy, Long Mỹ và thị xã Long Mỹ cũng có số lượng sản phẩm OCOP khá lớn, làm phong phú thêm sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang.
Với sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, các hợp tác xã và doanh nghiệp tại Hậu Giang đang nỗ lực nâng cao chất lượng và cải tiến quy trình sản xuất. Các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến như G.A.P, HACCP, ISO, BRC, HALAL… đang dần được áp dụng nhằm đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu. Đây là bước đi cần thiết để sản phẩm OCOP của tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn có thể tiếp cận các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ.
Chị Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Việc sản phẩm của HTX được giới thiệu tại các hội chợ lớn là niềm tự hào và động lực để chúng tôi tiếp tục cải tiến sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn. Chúng tôi tin rằng, với sự hỗ trợ của tỉnh và các chương trình xúc tiến thương mại, sản phẩm cá thát lát của HTX sẽ ngày càng phát triển hơn nữa”.
Chương trình OCOP không chỉ là công cụ hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, mà còn là nhịp cầu giúp nâng cao vị thế của các sản phẩm nông sản Việt Nam. Với sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp, Chi cục Chất lượng, Chế biến, Thị trường và Phát triển nông thôn, cũng như sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sản phẩm OCOP Hậu Giang đang từng bước vươn xa, trở thành động lực phát triển bền vững cho nền nông nghiệp nước nhà.
Theo MAI THANH (Báo Hậu Giang)